6 BÀI HỌC TÀI CHÍNH CÁ NHÂN TỪ DỊCH COVID-19

by Ha Phuong

Bài viết hôm nay mình chia sẻ với các bạn 6 bài học về tài chính cá nhân từ dịch Covid-19.

Đại dịch Covid 19 gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn thế giới, trong đó có mỗi chúng ta. Rất nhiều lao động mất việc làm, thu nhập bị giảm sút, kinh tế lâm vào khó khăn. Bạn có thể đọc thêm ảnh hưởng của Covid 19 tại đây.

Từ trong đại dịch, con người học cách chống chọi, sinh tồn, rút ra các bài học để thích nghi. Một phần rất nhỏ trong số ấy, nhưng lại có ảnh hưởng lâu dài tới nhiều năm về sau của mỗi người, ấy là bài học về quản lý tài chính cá nhân.

1. SỐNG GIẢN DỊ, CẮT GIẢM CHI TIÊU

Dịch Covid khiến chúng ta nhận ra rằng không cần quá nhiều thứ để được SỐNG. Không cần nhà lớn, xe đẹp, tiêu xài hoang phí, không ăn nhà hàng sang trọng, không cafe, xem phim, du lịch… chúng ta vẫn không đến mức “làm sao mà sống nổi”.

Khi đối diện với sinh tồn, điều quan trọng nhất quay trở lại chính trong bản thân mỗi chúng ta: là sức khỏe, là gia đình, là yêu thương. Mọi thứ khác chỉ cần vừa đủ là đã hạnh phúc lắm lắm.

Khoảng thời gian này cũng giúp chúng ta “cai” một số thứ mà trước đây ngỡ tưởng là không thể. “Từ bỏ” một số thứ hóa ra không khó như chúng ta tưởng tượng như thế.

Mọi chuyện rồi cũng sẽ qua đi, bài học tài chính cá nhân từ dịch Covid 19 để lại là: Sống giản dị, có thể xem xét cắt giảm chi phí ở rất nhiều hạng mục, mà trước đó chúng ta nghĩ là “không thể sống thiếu”. (Tất nhiên giản dị, không có nghĩa là keo kiệt).

2. LUÔN CÓ QUỸ DỰ PHÒNG

2.1 CHUẨN BỊ QUỸ DỰ PHÒNG

Đại dịch xảy ra, nhiều gia đình trước đây có thu nhập tương đối tốt, bây giờ lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi nguồn thu nhập chính trong nhà bị ảnh hưởng. Có những hoàn cảnh, khi dịch xảy ra, tài chính trong nhà không đủ để trụ nổi một tháng đó các bạn. Điều này làm mình cảm thấy thực sự đáng suy ngẫm.

Chắc hẳn là người trong cuộc cũng đã đúc rút cho mình những bài học để đời. Sao lúc trước không tiết kiệm hơn, tiêu xài bớt hoang phí hơn, để dành một khoản dự phòng cho những lúc thế này. Nếu tài chính tích góp đủ tốt, chúng ta có thể vượt qua những ngày tháng này đỡ vất vả hơn.

Tình trạng tài chính hiện tại là kết quả của một loạt hành động trước đây. Như vậy mới nói “Nếu bạn mua những thứ mình muốn, sẽ đến lúc bạn sẽ phải bán những thứ mình cần”  – Warren Buffet. Tất cả đều có quy luật nhân – quả.

Vì vậy bạn hãy sống như những chú kiến, trong câu truyện cổ tích “ Kiến và Châu Chấu”. Vào những ngày hè nắng chói chang, Kiến vẫn luôn chăm chỉ kiếm thức ăn để dự trữ cho mùa đông, mặc cho Châu Chấu rủ rê “hãy lại đây trò chuyện và đi chơi thỏa thích với tớ đi”.

Bài học về tài chính cá nhân từ dịch Covid-19 rút ra ở đây là: Hãy luôn có kế hoạch dự phòng cho những điều không ngờ tới. Chẳng ai có thể đoán trước được dịch bệnh. Chúng ta cũng không thể biết sau Covid 19 còn có điều gì ở phía trước. Hãy luôn có khoản dự phòng ít nhất là 3-6 tháng, nếu có thể – là 1 năm, để luôn sẵn sàng cho bất kỳ điều gì xảy ra trong tương lai.

2.2 ĐỂ Ở NƠI DỄ RÚT

Lại có những gia đình, tài sản dư dả, nhưng lại để hết quỹ dự phòng vào các khoản đầu tư. Giai đoạn cần đến tài chính, các khoản đầu tư lại đều mắc kẹt: bất động sản không giao dịch được, chứng khoán rớt sâu, đặc biệt là giai đoạn giữa năm 2020. Cuối cùng họ phải chọn phương án bán đi các tài sản đầu tư đang bị rớt giá.

Bài học rút ra là khoản dự phòng cần phải để ở nơi dễ rút ra. Không nên để chung với các khoản đầu tư. Bởi khi rủi ro xảy ra chúng ta không thể biết khoản đầu tư có đang được như kỳ vọng không.

3. BẢO HIỂM LÀ RẤT CẦN THIẾT

Dịch covid đã khiến rất nhiều gia đình rơi vào cảnh thương tâm. Có những gia đình mất đi những người trụ cột… Có những em bé bơ vơ từ khi mới lọt lòng… Có những người mạnh khỏe bỗng nhiên phải chịu di chứng để lại nhiều năm về sau. Đặt bên cạnh sự đau đớn và thương tâm, thì vấn đề kinh tế sau đó cũng rất cần phải suy ngẫm.

Bài học về tài chính cá nhân từ dịch Covid-19 ở đây là: Một khoản bảo hiểm nhân thọ cùng với bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe sẽ là rất cần thiết để phòng ngừa những rủi ro không may như trên.

3.1 BẢO HIỂM Y TẾ

Bảo hiểm y tế là điều bắt buộc phải có. Mình đã gặp một số trường hợp, để chữa bệnh cần tiêu tốn rất nhiều tiền, nhưng bảo hiểm y tế đã trả gần như hết các khoản tiền khổng lồ cho họ. Không đâu xa, đại dịch lần này là một ví dụ.

3.2 BẢO HIỂM SỨC KHỎE

Nếu có điều kiện thì hãy mua bảo hiểm sức khỏe. Trong trường hợp đi khám chữa bệnh ngoại trú, hoặc không may nằm viện, bảo hiểm sức khỏe có thể chi trả phần không nằm trong hạng mục của BHYT: như giường bệnh khi chọn phòng dịch vụ, chi phí khám lại…. Giúp chúng ta ít nhất cũng có thể lựa chọn một phương án tốt hơn.

3.3 BẢO HIỂM NHÂN THỌ

Bảo hiểm nhân thọ là thực sự rất cần thiết và cần phải mua cho người trụ cột trong gia đình. Dù ít, nhiều cũng giúp giải quyết phần nào kinh tế cho người phụ thuộc, khi người trụ cột có rủi ro không may. Đừng khi nào nghĩ bảo hiểm là lừa đảo, hay không cần thiết. Phòng vệ rủi ro không bao giờ là sai cả, nó sẽ là “tấm đệm đỡ” cho con bạn, người phụ thuộc của bạn.

Hãy chọn người tư vấn có tâm, gói bảo hiểm phù hợp. Và luôn nhớ, bảo hiểm hãy cứ thực hiện tốt vai trò là bảo hiểm thôi, đừng quá quan tâm đến vấn đề tiền của bạn để đó sẽ được nhân lên thế nào, lãi ra sao. Bởi theo mình, công ty bảo hiểm mà chạy theo những khoản đầu tư lãi cao cho bạn, thì high risk high return, đi kèm với nó luôn là rủi ro. Trong khi một nơi an toàn mới là điều cần thiết cho bảo hiểm của bạn.

4. TRÁNH CÁC KHOẢN NỢ

Để hiểu rõ điều này, hãy cứ hỏi các nhân viên ngân hàng. Có rất nhiều khách hàng, trước đây khoản trả gốc và lãi hàng tháng là đơn giản với họ, nhưng khi đại dịch xảy ra, họ bị mất nguồn thu nhập chính, các khoản nợ bủa vây. Có trường hợp đảm bảo cuộc sống thiết yếu thôi cũng không đủ, đừng nói đến việc trả nợ.

Khi vào hoàn cảnh ấy, mỗi tháng qua đi, những khoản nợ chậm trả lớn dần lên, làm họ cảm thấy sốt sắng, mệt mỏi, bế tắc, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần.

Bài học tài chính cá nhân từ dịch Covid-19 ở đây là: Trước khi bạn định vay nợ, hãy cân nhắc thật kỹ. Trước đây bạn chỉ cần cân nhắc đến việc bạn có khả năng trả nợ với tình hình tài chính hiện tại không. Bây giờ bên nên cân nhắc thêm: nếu 1 nguồn thu nhập bị ảnh hưởng, bạn có khả năng trả nợ cho ít nhất 3-6 tháng không? Khoảng thời gian này sẽ ít nhiều giúp bạn tìm một nguồn thu nhập khác bù vào.

5. ĐA DẠNG HÓA THU NHẬP – KHỞI NGHIỆP 4.0

Từ khi dịch Covid xảy ra đến nay, tình trạng mất việc, hoặc giảm giờ làm ngày càng phổ biến xung quanh mình.

Mình lại nhớ đến cuốn sách mà mình trước đây nhiều năm đã đọc, nhưng chưa có thời gian để thực hiện “Khởi nghiệp 4.0”.

Khi ấy, mình đọc được tư tưởng của tác giả: Bạn có đúng một nguồn thu nhập – đó là sự bấp bênh, và nó có thể biến mất bất cứ lúc nào. Sự không tự đa dạng hóa nguồn thu nhập là một sự liều lĩnh thực sự. Trong đầu tư chúng ta luôn biết rằng phải đa dạng hóa. Nhưng trong công việc, chúng ta lại bất cẩn tin tưởng vào chỉ một ông chủ.

Bây giờ đã không còn thời đại “Một nghề cho chín, còn hơn chín nghề” nữa. Trước đây chúng ta được khuyên rằng “hãy chăm chỉ, kiếm một công việc ổn định, và con sẽ ổn định”.

Chăm chỉ và có ít nhất 1 công việc vẫn là yếu tố tiên quyết, nhưng thay vào đó, hãy tìm kiếm cho mình một nguồn thu khác nữa. Chẳng ai có thể đoán trước, một ngày nào đó công ty của bạn có vấn đề, xã hội thay đổi, bạn không đủ sức để làm việc, hay bạn không còn đủ giỏi để đứng vững trong thị trường lao động nữa.

Nếu bạn đang thất nghiệp, hoặc bị giảm giờ làm, hãy tự động viên mình rằng: Thật may là điều đó xảy ra vào lúc này. Vẫn còn sớm để mình thức tỉnh và thay đổirước khi mình lớn tuổi hay quá muộn. Hãy tận dụng thời gian nghỉ việc để học thêm các kỹ năng mới, công việc mới.

Nếu cần 1 lời khuyên, mình khuyên bạn nên đọc cuốn “Khởi nghiệp 4.0”. Nếu đủ quyết tâm, bạn thậm chí còn có được thu nhập cao hơn rất nhiều, và không phải lao động “ổn định” mãi mãi.

Đây là một mảng đề tài lớn, mình sẽ có bài viết cụ thể hơn để chia sẻ về vấn đề này – trong menu “Gia tăng thu nhập” – chia sẻ về những điều mà mình học hỏi được.

6. BÀI HỌC VỀ ĐẦU TƯ TRONG KHỦNG HOẢNG

Năm 2020 giúp chúng ta nhận thức sâu sắc hơn bài học quý báu trong đầu tư, khi đại dịch hoành hành.

Vài năm mới ra trường, mặc dù học chuyên sâu về tài chính, và đọc sách một số sách về tâm lý hành vi, nhưng mình vẫn giống đa số các nhà đầu tư cá nhân khác: Thị trường xanh thì vui mừng, thị trường đỏ thì sợ hãi.

Phải mất nhiều năm sau đó, mình mới luyện được đến “cảnh giới”: Đỏ thì vui ha, mình mua được thứ mình muốn với giá hời : ) Giống như đi mua váy áo vậy đó, có ai đổ xô đi mua khi cửa hàng treo biển “tăng giá 20%” đâu – thực tế thì chẳng có biển nào treo thế cả. Người ta chỉ đổ xô mua khi biển đề “Giảm giá 50%” và hơn thế nữa thôi.

Giai đoạn giữa năm 2020 lại củng cố thêm “cảnh giới” ấy cho mình. Ai có mặt trên thị trường lúc đó, chắc hẳn đã có một bài học vô cùng quý giá. Mình hy vọng những bài học này, sẽ là hành trang cho những người mới gia nhập thị trường.

Trước khi đầu tư hãy luôn xác định thời hạn có thể của khoản tiền bạn bỏ ra. Nếu là dài hạn, đừng bao giờ bán khi thị trường “đã” giảm sâu. Hãy đặt ra nguyên tắc cho hệ thống giao dịch của bạn – khi nào mua, bán, và tuân thủ theo nguyên tắc đó. Đừng đầu tư tiền của mình, nhưng lại nhìn sang nhà hàng xóm để giao dịch. Bạn có thể tham khảo nguyên tắc đầu tư của mình trong bài viết sau:

Đọc thêm “Tạo danh mục đầu tư cân bằng”

Mong đại dịch sớm qua đi, chúng ta lại trở về với cuộc sống ngày thường. Hy vọng là từ trong đại dịch, chúng ta học được thêm nhiều bài học, để hoàn thiện mình hơn, giúp cho cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn. Bạn học thêm được bài học gì, hãy chia sẻ cho mình nhé!

Related Posts