REVIEW TIKOP – TIKOP LÀ GÌ

by Ha Phuong

Trong một số bài viết trước đây, mình có nhắc đến một số ứng dụng tiết kiệm, tích lũy và đầu tư, ví dụ Finhay, Tikop, Infina, Fmarket. Mình sẽ có chuỗi bài review riêng từng loại, và so sánh ưu nhược điểm các ứng dụng này. Trong bài viết đầu tiên này, mình sẽ review về app mà mình thấy ưng hơn cả với nhu cầu của mình, đó là Tikop.

Mặc dù tuổi đời khá là non trẻ, được thành lập từ T6/2020, nhưng Tikop đã vươn lên rất mạnh mẽ, trở thành đối thủ đáng gờm của những tên tuổi lâu năm hơn như Finhay (2017), Infina(2018), nhờ có ưu điểm vượt trội.

1. NHỮNG ĐIỀU MÌNH THÍCH Ở TIKOP

1.1 Sứ mệnh của Tikop

Tikop là một ứng dụng Fintech, đặt ra sứ mệnh là: “Giúp người Việt xây dựng một thói quen tài chính tốt từ khi còn trẻ để hướng tới sở hữu những tài sản lớn hơn trong tương lai”. Đây cũng là một trong những điều mà mình hướng tới khi viết blog này. Vì cùng chung chí hướng, thế nên có cảm tình từ cái nhìn đầu tiên luôn : )

1.2 Tính năng ưu việt

  • Có thể tích lũy, đầu tư chỉ từ 50,000 VND, rất phù hợp với các bạn sinh viên, các bạn mới ra trường, hoặc cho các bạn thử trải nghiệm. Điều này khẳng định thêm sứ mệnh của Tikop : Giúp người Việt xây dựng một thói quen tài chính tốt từ khi còn trẻ.
  • Lãi suất tốt. Tại thời điểm hiện tại, gói Không kỳ hạn lãi suất là 5.5%, và kỳ hạn 3 tháng là 7%. Cao hơn so với lãi suất ngân hàng. Ngay cả với gói kỳ hạn 3 tháng, nếu rút trước hạn bạn cũng nhận được lãi suất 3%.
  • Gói đầu tư linh hoạt, có thể chọn nhiều chứng chỉ quỹ và chỉ định % nhất định cho từng quỹ. Trong đó có 6 trong 7 quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam có mặt trong danh sách này. Cái này thích nhất luôn nè. Vì sao thì bạn đọc thêm ở đây nha.
  • Chỉ từ 50,000 VND có thể đầu tư vào nhiều chứng chỉ quỹ. Bạn có thể nạp 50,000, 500,000 VND… cho gói đầu tư linh hoạt, gói này bạn có thể phân bổ cho 6 quỹ ETF, hoặc các chứng chỉ quỹ khác. Thay vì mua trên thị trường chứng khoán, bạn phải cần tối thiếu là 1 -2 triệu khi mua 1 loại ETF, do quy định lô 100 chứng chỉ quỹ (CCQ) cho 1 lần mua. Mặc dù sắp tới, có thể giảm xuống 10 CCQ cho 1 lần mua, nhưng chỉ với 50,000 VND thì cũng hơi khó để tiếp cận. Tikop giải quyết vấn đề này cho bạn.
  • Miễn phí tất cả các loại phí: Bao gồm Phí nạp tiền, rút tiền, phí quản lý. Chỉ trừ các loại phí trực tiếp của khoản đầu tư, và các khoản thuế theo quy định của nhà nước.
  • Nạp, rút tiền nhanh chóng, nhanh gần như chuyển khoản cùng hệ thống ngân hàng. Theo trải nghiệm của mình, mình dùng TPBank, chuyển rút vào ngày nghỉ cũng gần như ngay lập tức. Với các ngân hàng khác, mình cũng thấy mọi người “khen” như vậy.
  • Có chức năng tích lũy định kỳ cho gói không kỳ hạn. Nếu ngân hàng của bạn có chế độ chuyển tiền định kỳ, bạn hoàn toàn có thể cài đặt, để hàng tháng tự động mà không bị nhớ nhớ quên quên. Hiện tại có 5 app ngân hàng hỗ trợ cài đặt chuyển tiền định kỳ: TPBank, VPBank, Vietcombank, Vietinbank, VIB. Thật buồn cho BIDV, vì tài khoản được chọn để chuyển tiền định kỳ là tài khoản tại BIDV, nhưng app ngân hàng lại chưa hỗ trợ chuyển định kỳ. Bạn có thể tham khảo thao tác tại đây.
  • Mình dùng TPBank thì chuyển tiền không mất phí, nên tính năng này trên Tikop mình rất thích. Điều này giải quyết khâu “trả cho mình trước tiên” trong quản lý tài chính cá nhân, bước đầu giúp bạn tự động có 1 thói quen tốt trong việc tiết kiệm. Đây cũng là nơi để quỹ dự phòng rất tốt. Quỹ dự phòng bạn cần chuẩn bị từ 3-6 tháng chi phí sinh hoạt và để ở nơi dễ rút.

Bạn đọc thêm về quỹ dự phòng tại đây.

1.3 Trải nghiệm ứng dụng, hỗ trợ người dùng

  • Giao diện đơn giản, mượt mà, thân thiện với người dùng.
  • Xác minh tài khoản nhanh chóng, có thể mở vào giao dịch luôn. (Các bạn có thể thử trải nghiệm, mình để link ở dưới bài)
  • Hotline, hỗ trợ người dùng dễ tìm: Có sẵn trên ứng dụng, trao đổi trực tiếp với người thật việc thật luôn. Không như một số app khác, nhiều khi mình phải mỏi mắt tìm cách liên  hệ với bên hỗ trợ. Hoặc đôi khi chỉ ngồi chat với bot mà mãi không giải quyết được vấn đề.
  • Hỗ trợ, tư vấn rất nhanh, nhiệt tình.
  • Có Group Facebook hỗ trợ giải đáp thắc mắc.

2. TIKOP CỤ THỂ LÀ GÌ

2.1 Các thông tin cơ bản về Tikop

Công ty chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN CÔNG NGHỆ TECHLAB. Đây là công ty có thế mạnh về công nghệ, chuyên xây dựng các sản phẩm nội dung số, mạng xã hội và tài chính.

Số ĐKKD: 0109175223- Cấp ngày 07/05/2020 do Sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hà Nội, đăng ký với lĩnh vực hoạt động chính là Xuất bản phần mềm, kèm với Hỗ trợ dịch vụ tài chính.

Đơn vị kiểm toán: VACO. Là công ty kiểm toán rất uy tín, tiền thân của Deloitte – Việt Nam.

Tầm nhìn: Trở thành 1 nền tảng công nghệ tài chính hàng đầu tại Việt Nam.

2.2 Các sản phẩm của Tikop

Tikop hiện có 2 sản phẩm chính:

Sản phẩm của Tikop
Sản phẩm của Tikop

Tích cóp

Gói Âu Cơ

  • Gói tích lũy kỳ hạn 3 tháng, lãi suất 7%/năm (so với 4% của hầu hết các Ngân hàng).
  • Nếu rút trước hạn, bạn nhận lãi 3% năm (so với 0.1% của các Ngân hàng)
  • Tối đa 500 triệu cho 1 giao dịch và 1 tài khoản

Gói Lộc Phát

  • Gói Không kỳ hạn, lãi suất 5.5% (so với 0.1% của các Ngân hàng)
  • Tối đa 500  triệu cho 1 giao dịch và 1 tài khoản

Đầu tư

Gói gợi ý

Bao gồm các gói: Gói An Toàn, Gói Thử thách, Gói Mạo hiểm. Mỗi gói phù hợp với từng mức khẩu vị rủi ro của khách hàng. Các gói này đã được tạo sẵn với 1 vài quỹ, và tỷ lệ phân bổ nhất định.

Bạn cũng có thể tại từng gói, chỉnh sửa cài đặt, thêm bớt các quỹ và thay đổi tỷ lệ phân bổ.

Gói linh hoạt

Bạn sẽ tự chọn các quỹ trong danh mục và tỷ lệ phân bổ. Bạn cũng có thể tạo nhiều gói linh hoạt khác nhau.

Khi nạp tiền vào gói này, số tiền của bạn sẽ được đem đi phân bổ vào các quỹ theo mức bạn cài đặt sẵn. Mức nạp tối thiếu là 50,000VND. Như vậy chỉ với 50,000 VND bạn cũng có thể mua được nhiều quỹ trong 1 lần.

Đọc đến đây, nếu bạn muốn thử trải nghiệm Tikop, bạn có thể quét QR code để tải app. Bạn cùng có thể mời bạn bè trải nghiệm để cùng nhận được quà tặng nhỏ nhỏ của Tikop nhé!

Tải app Tikop

3. CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ TIKOP

3.1 Các loại phí mà bạn phải chịu

Như nói ở trên, Tikop không thu của bạn bất kỳ loại phí gì. Tuy nhiên bạn phải chịu các chi phí do công ty quản lý quỹ thu và các loại thuế do nhà nước quy định như sau:

Phí do công ty quản lý quỹ thu

Đây là các chi phí bắt buộc khi bạn mua chứng chỉ quỹ, dù bạn có mua từ bên nào đi chăng nữa thì bạn vẫn luôn phải chịu các loại phí này:

Đối với ETF là phí mua bán/ giá trị giao dịch. Khi mua trực tiếp từ sàn giao dịch chứng khoán, bạn cũng phải chịu chi phí này.

Các chứng chỉ quỹ khác là quỹ mua bán do công ty quản lý quỹ thu. Dù bạn mua tại các công ty quản lý quỹ khác, bạn cũng phải chịu chi phí này.

Thuế theo quy định pháp luật

Khi rút tiền từ sản phẩm Tích lũy: Bạn phải chịu thuế Thu nhập cá nhân 5% trên số tiền lãi (Không tính số tiền gốc).

  • Ví dụ bạn gửi 100 triệu vào sản phẩm Âu Cơ, với lãi 7%/năm.
  • Hết 3 tháng, lãi tính trên sản phẩm này là 1,779,868 VND.
  • Mức thuế TNCN bạn phải chịu là 1,779,868 * 5% = 88,994 VND.

(Ví dụ minh họa lấy theo app của Tikop)

Khi rút tiền từ sản phẩm Đầu tư: Bạn phải chịu mức thuế chuyển nhượng 0.1% trên mức giá chuyển nhượng. 0.1% này tính trên toàn bộ số tiền bạn bán chứng chỉ quỹ, không phải chỉ trên số tiền lãi.

  • Ví dụ bạn rút 10 triệu từ sản phẩm đầu tư.
  • Quỹ đầu tư sẽ bán chứng chỉ quỹ, khi bán bạn sẽ mất phí bán chứng chỉ quỹ.
  • Sau khi trừ đi phí bán, ví dụ còn là 9,999,000 VND.
  • Bạn chịu thuế chuyển nhượng là 0.1%*9,999,000 = 9,999 VND.
  • Số tiền thực nhận là 9,999,000-9,999 =9,989,001 VND.

(Ví dụ minh họa lấy theo app của Tikop)

3.2 Tikop lấy lãi từ đâu

Đọc đến đây, chắc bạn sẽ thắc mắc, vì sao sản phẩm tích lũy lại cao hơn lãi ngân hàng? Tikop không thu phí của khách hàng, vậy có lãi từ đâu?

Sau khi tìm hiểu thì mình thấy như sau:

Vì sao Tikop tích lũy có lãi suất cao hơn Ngân hàng?

Giám đốc sản phẩm của Tikop có trả lời rằng: Tiền của bạn được đưa đến các công ty quản lý quỹ, đầu tư vào các sản phẩm tài chính phù hợp: Chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu….

Trên website cũng viết: Tiền của bạn dùng để mua các sản phẩm tài chính với tài sản cơ sở là các chứng chỉ tiền gửi, hợp đồng tiền gửi, trái phiếu do các ngân hàng hoặc định chế tài chính uy tín phát hành. Những sản phẩm này thường có lãi cao hơn so với gửi tiết kiệm ngân hàng.

Tikop không thu phí của khách hàng, vậy có lãi từ đâu?

Sau khi đọc các nguồn thông tin, theo mình phần lãi có thể đến từ các nguồn như dưới đây, có thể chưa đầy đủ, nếu bạn có suy nghĩ khác, comment cho mình biết với nhé:

Đối với sản phẩm tích lũy:

  • Chênh lệch lãi từ các sản phẩm như nhắc ở trên với lãi suất trả cho khách hàng.
  • Sự chênh lệch kỳ hạn do việc khách hàng gửi không kỳ hạn dồi dào, liên tục, dẫn tới Tikop luôn có một khoản tiền nhất định. Khoản này có thể đem đi đầu tư vào các sản phẩm tài chính kỳ hạn dài, hưởng lãi suất cao.
  • Hoặc khi khách hàng rút trước hạn, hưởng lãi suất thấp, nhưng như trên, Tikop luôn có một khoản tiền dồi dào nhất định, trong khoảng thời gian dài, đem đầu tư hưởng lãi cao hơn.

Đối với sản phẩm đầu tư:

Tikop không cam kết mức lãi suất, bạn sẽ được hưởng theo đúng lợi nhuận danh mục của bạn. Vậy Tikop được hưởng lợi gì từ phần này?

Theo mình có thể Tikop được hưởng 1 khoản hoa hồng từ các công ty quản lý quỹ. Ngoài ra có thể đây là chiến lược ban đầu để thu hút khách hàng, chiếm lĩnh thị phần, sau đó công ty sẽ có chiến lược thu phí về sau này.

3.3 Mức độ an toàn khi đầu tư vào Tikop

Tikop là một ứng dụng Fintech, kết nối khách hàng với các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư. Họ nói rằng họ xây dựng mô hình 3 lớp bảo vệ:

  • Ứng dụng bảo mật cao.
  • Đối tác tin cậy. Tikop chuyển tiền tới sản phẩm tài chính tương ứng của các đối tác chuyên nghiệp (Mirae Asset Securities, FPT Capital, Techcombank Securities).
  • Bảo hiểm chủ động. Tikop ký kết với đối tác bảo hiểm, bảo hiểm cho hợp đồng của khách hàng. Trong tương lai có thể có các bảo hiểm gia tăng, khách hàng mua thêm để gia tăng lợi ích, giảm thiểu rủi ro .

Nếu Tikop phá sản thì sao?

Tikop giải thích như sau trong trường hợp phá sản:

Nếu Tikop phá sản? Tiền của bạn có lấy lại được không?

Từ các thông tin cơ bản về Tikop, và các điều Tikop chia sẻ, thì mình thấy Tikop cũng rất đáng để xem xét.

3.4 Có nên đầu tư vào Tikop không?

Cá nhân mình thì thấy Tikop giải quyết một số vấn đề rất tốt:

  • Chỉ với số tiền nhỏ có thể tích lũy, phù hợp tạo quỹ dự phòng.
  • Có thể đặt lịch định kỳ, chuyển tích lũy ngay khi nhận lương, phù hợp để giải quyết khâu “quên” tiết kiệm.
  • Nếu đầu tư vào quỹ ETF có thể coi là hình thức đầu tư “lười giao dịch”, thì qua Tikop mức lười lại cao hơn nữa, có thể nói là hình thức “siêu lười”. Bạn chỉ chọn sẵn 1 gói linh hoạt, gồm nhiều quỹ ETF và chuyển khoản 1 lần 1 tháng, thay vì đặt nhiều lệnh cho từng loại ETF trên các app của công ty chứng khoán.
  • Nếu đầu tư vào ETF được coi là ít tiền mà vẫn đa dạng hóa, thì đầu tư tại Tikop, mức độ ít tiền mà đa dạng hóa lại càng cao hơn. Ví dụ để mua vài ETF bạn cũng phải ngốn trên 5 triệu, bây giờ chỉ với 50,000 VND bạn cũng mua được nhiều loại quỹ ETF.
  • Nếu trong trường hợp ngoài ETF, bạn còn quan tâm đến các CCQ chủ động, thì Tikop có tầm 16 quỹ cho bạn có thể lựa chọn. Bạn không cần phải đến nhiều công ty quản lý quỹ, và mở nhiều hợp đồng. Việc quản lý tiền đầu tư CCQ cũng trở nên thuận tiện dễ dàng hơn.

3.5 Điều gì mình muốn hơn nữa ở Tikop

Tại thời điểm hiện tại (18/09/2021):

  • Chưa có hình thức đầu tư vàng như Finhay, hay eGold của Doji, hay app TPBank.
  • Chưa có hình thức đầu tư Bất động sản với số vốn nhỏ lẻ như Infina.

Các vấn đề này mình nghĩ Tikop chắc sẽ sớm cho ra các sản phẩm này để cạnh tranh với đối thủ.

  • Gói tích lũy chỉ có KKH và kỳ hạn 3 tháng.
  • Số tiền tối đa trong mỗi gói là không quá 500 triệu. Có thể mình cũng chẳng định đưa nhiều tiền như vậy vào Tikop, nhưng dù sao đó cũng là một hạn chế.
  • Khi mua quỹ ETF, Tikop cố định giờ giao dịch là 13h hàng ngày, bạn không thể chủ động thời gian đặt lệnh. Bạn phải chuyển tiền vào Tikop trước thời gian trên, nếu không ngày hôm sau giao dịch mua ETF mới được thực hiện.
  • Mình không đứng tên trên hợp đồng đầu tư (khi mua CCQ trực tiếp tại các công ty quản lý quỹ thì KH đứng tên trên hợp đồng trực tiếp).
  • Tiền trong gói tích lũy, mình không biết chính xác Tikop đang đầu tư vào sản phẩm cụ thể nào.

Nhưng nhược điểm trên cũng không quá ảnh hưởng tới việc mình quyết định đầu tư qua Tikop, hơn nữa mình cũng hiểu vì sao Tikop lại có một số những hạn chế trên, nên cũng không đòi hỏi quá nhiều.

Nếu đọc bài này, bạn cảm thấy ưng ưng Tikop, thì hãy tìm hiểu, và thử trải nghiệm chỉ với 50,000 VND nhé!

Bạn có thể tải app theo link dưới đây, để được tặng 10,000 VND trong tài khoản. Và có thể mời bạn bè trải nghiệm thử, đề cùng nhận được quà nhỏ nhỏ của Tikop: Tải app Tikop

Lưu ý: Các bài viết mang ý kiến cá nhân, có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng góp cho bạn 1 góc nhìn. Hãy tìm hiểu thật kỹ, tự mình ra quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định đó, nhất là vấn đề đầu tư nhé!

Bài viết là những chia sẻ cảm nhận thực tế của mình, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố khác. Khi bạn tải app qua link mình gửi, mình sẽ nhận được 1 khoản nho nhỏ, và bạn cũng vậy.

Related Posts