SỔ CHI TIÊU KAKEIBO – 1 PHƯƠNG PHÁP ĐƠN GIẢN HIỆU QUẢ TRONG VIỆC QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁ NHÂN CỦA NGƯỜI NHẬT

by Ha Phuong

Có rất nhiều các phương pháp quản lý tài chính cá nhân, như phương pháp 6 chiếc lọ, phương pháp 50/30/20, qua các hình thức như quản lý bằng excel, bằng các app trên điện thoại… Mỗi một phương pháp đều có hiệu quả nhất định đối với mỗi cá nhân.

Trong bài viết hôm nay, mình giới thiệu tới các bạn một phương pháp quản lý tài chính cá nhân không được “hiện đại” như trên, nhưng mình lại cảm thấy khá hiệu quả, khiến mình tập trung vào suy nghĩ, không hẳn là thiền, nhưng dạng tĩnh tâm trong việc quản lý tài chính.

Đó là phương pháp quản lý tài chính cá nhân bằng sổ chi tiêu Kakeibo của người Nhật.

1. PHƯƠNG PHÁP SỔ CHI TIÊU KAKEIBO LÀ GÌ

Sổ chi tiêu Kakeibo được nữ nhà báo Hani Motoko phát minh ra vào năm 1904 nhằm giúp phụ nữ Nhật Bản quản lý chi tiêu của bản thân và gia đình tốt hơn.

Vào năm 2018, khi nhà văn Fumiko Chiba xuất bản cuốn sách “Kakeibo : Nghệ thuật tiết kiệm tiền của người Nhật”, xu hướng này đã bùng nổ ở các nước phương Tây. Ở Việt Nam cũng có nhiều người quan tâm đến phương pháp này.

Sổ chi tiêu Kakeibo được biết đến như cuốn sổ ghi lại nhật ký chi tiêu, giúp bạn nhận thức rõ hơn về thói quen chi tiêu của mình và giúp bạn khám phá ra những phần mà bạn có thể tiết kiệm. Một phương pháp thủ công, đơn giản, nhưng mang lại hiệu quả khá cao.  

Bạn hãy sắm 1 cuốn sổ nhỏ nhỏ, xinh xinh và 1 cây bút và bắt đầu với phương pháp sổ chi tiêu Kakeibo nhé!

Bạn có thể mua sổchi tiêu Kakeibo tại đây, hoặc tự tạo cho mình cuốn sổ tay theo các nội dung dưới đây.

2. CÁCH LÀM SỔ CHI TIÊU KAKEIBO

Để làm sổ chi tiêu Kakeibo theo dõi thu chi hàng ngày, bạn có thể thực hiện các bước sau:

2.1 Xác định ngân sách của bạn

Xác định thu nhập hàng tháng

Đầu tháng, bạn viết thu nhập hàng tháng của bạn, bao gồm từ tất cả các nguồn.

Xác định chi phí cố định

Liệt kê các chi phí cố định: tiền nhà, sinh hoạt phí, … những chi phí mà bạn chắc chắn phải chi tiêu, cố định hàng tháng.

Đặt mục tiêu tiết kiệm

Ngay từ đầu tháng bạn hãy để dành ra số tiền – giống như là khoản “trả cho mình trước” mà mình có từng nhắc đến trong các bài trước.

Xác định số tiền chi tiêu còn lại

Số tiền còn lại, bạn chia thành 4 phần:

  • Nhu cầu thiết yếu. Là số tiền cho những nhu cầu thiết yếu: ăn uống, xăng xe…
  • Mong muốn cá nhân. Là số tiền không bắt buộc, nhưng do mong muốn của bản thân: Ăn ngoài, mỹ phẩm, đồng hồ, điện thoại…
  • Nhu cầu giải trí, tinh thần: Là số tiền chi cho các nhu cầu về văn hóa, tinh thần: Mua sách, báo, xem phim,…
  • Chi phí phát sinh: Sửa chữa, sinh nhật, quà tặng, từ thiện…

Tỷ lệ từng phần dựa theo thực tế hàng tháng, và sự điều chỉnh của bạn.

2.2 Theo dõi chi tiêu cá nhân

Mỗi tối hãy ghi lại các hạng mục chi tiêu của bạn vào nhật ký – cuốn sổ chi tiêu Kakeibo, phân loại theo 4 thành phần như ở trên.

Việc ghi chép bằng tay, viết ra giấy sẽ giúp bạn có khoảng thời gian bạn thực sự suy nghĩ về cách chi tiêu của mình. Điều này giúp bạn có 1 khoảng lặng, đặt mình ở thực tại, sống chậm lại và suy nghĩ.

Việc phân loại theo 4 thành phần cũng rất có tác dụng, bởi đó là khi bạn phải suy nghĩ và nhận ra mình liệu có đang quá tay cho phần mong muốn cá nhân quá nhiều, mà không thiết yếu không? Hay nhận ra hạng mục sang tháng sau có thể cắt giảm.

Nếu không có thói quen viết nhật ký, thì bắt đầu 1 cuốn sổ chi tiêu Kakeibo chắc chắn sẽ giúp bạn mỗi tối có thêm 1 khoảng thời gian cho mình. Nhất là, việc này sẽ từng bước nhỏ giúp bạn có 1 tương lai tài chính sáng láng hơn. Vậy rất đáng để thử đúng không?

2.3 Đánh giá tình hình thu chi

Trả lời 4 câu hỏi chính

Cuối tuần và cuối tháng, viết ra các câu trả lời cho 4 câu hỏi:

  • Tôi có bao nhiêu tiền?
  • Tôi muốn tiết kiệm bao nhiêu?
  • Tôi đang tiêu bao nhiêu?
  • Tôi có thể cải thiện vấn đề bằng cách nào?

Các câu trả lời cho 4 câu hỏi trên, giúp bạn biết thực tại của mình đang như thế nào. Câu hỏi cuối cùng rất hữu ích. Câu hỏi này giúp bạn buộc phải suy nghĩ.

Cải thiện ở đây không chỉ giới hạn ở việc tìm cách cắt giảm chi phí. Rộng hơn, bạn có thể xem xét để chi tiêu nhiều hơn cho những thứ thực sự hữu ích, hoặc tiết kiệm nhiều hơn cho những thứ bạn sẽ mong muốn đạt được trong tương lai. Bên cạnh đó chi tiêu ít hơn cho những món đồ mà sau đó bạn không thực sự coi trọng. Từ đó rút kinh nghiệm cho thói quen chi tiêu của mình.

Đánh giá rút kinh nghiệm

Cuối tháng, bạn cần có thời gian để đánh giá giữa thực tế chi tiêu và mong muốn ban đầu khi lập  ngân sách. Viết ra lý do thành công hay thất bại, suy ngẫm về việc “sửa lỗi” hoặc cải thiện hơn nữa cách chi tiêu của bạn.

Sổ chi tiêu Kakeibo nguyên bản của Nhật có đi kèm với hình ảnh minh họa một chú “heo tiết kiệm” chiến đấu với con “sói chi tiêu” rình rập cả tháng. Và thực sự là bạn sẽ phải chiến đấu như vậy để bảo vệ túi tiền của mình. Biết mình, biết ta – bước đánh giá chính là để giúp “heo tiết kiệm” của bạn mập lên, chiến thắng “sói chi tiêu” vào tháng tới.

3. PHƯƠNG PHÁP SỔ CHI TIÊU KAKEIBO VÀ SỰ KHÁC BIỆT

Sổ chi tiêu Kakeibo có một số khác biệt đáng kể so với các phương pháp khác:

  • An toàn, không sợ rò rỉ thông tin chi tiêu cá nhân do sử dụng mạng.
  • Tạo thói quen và kỷ luật tốt.
  • Thực tế: Cuốn sổ tay Kakeibo sẽ giúp bạn có cái nhìn thực tế, trực quan, toàn diện về tình hình tài chính hàng tháng của bạn.
  • Đơn giản: Bạn không cần phải có 1 cái laptop, 1 chiếc điện thoại, bạn chỉ cần 1 cuốn sổ và 1 cây bút và 1 chút thời gian trước khi đi ngủ mỗi tối.
  • Việc ghi chép bằng tay, viết ra giấy sẽ giúp bạn có khoảng thời gian bạn thực sự có khoảng lặng, suy nghĩ và đánh giá. Viết tay cũng được biết đến là giúp cải thiện trí nhớ và sự tập trung. Khi bạn tập trung, suy nghĩ và ghi chép vào cuốn sổ tay Kakeibo, bạn sẽ nhớ được các chi phí lặp đi lặp lại, hay các hạng mục ngân sách chính. Điều này giúp bạn sớm nhận ra những chi tiêu làm đội ngân sách và điều chỉnh kịp thời.
  • Giúp xác định rõ ràng giữa nhu cầu cấp thiết và mong muốn cá nhân: Khi ghi chép chi tiêu và lên ngân sách, bạn luôn phải suy ngẫm về 2 vấn đề này. Điều này giúp bạn trước mỗi lựa chọn chi tiêu sẽ ra quyết định đúng đắn hơn. Để không bị “nếu bạn chi tiêu vào những thứ bạn muốn, thì sớm muộn bạn sẽ phải bán đi thứ bạn cần”.
  • Luôn giữ được khoản tiết kiệm “trả cho mình trước”.

Bạn đọc thêm “3 việc cần làm để tiết kiệm tiền, cuối tháng không viêm màng túi”.

4. TRỞ NGẠI TRONG PHƯƠNG PHÁP SỔ CHI TIÊU KAKEIBO

Tuy nhiên phương pháp sổ chi tiêu Kakeibo cũng có một số hạn chế nhất định:

4.1 Kỷ luật ghi chép

Bạn sẽ cần phải tạo cho mình kỷ luật ghi chép. Tuy nhiên đây chắc chắn là bước cần thiết, để cải thiện thói quen chi tiêu của bạn. Nếu không có bước này, bạn chẳng thể làm được điều khác đi.

Bạn sẽ chọn ko ghi chép như cũ và cũng chẳng có điều gì khác biệt với tình hình tài chính của bạn. Hay bắt đầu thói quen mới, và mọi thứ sẽ thay đổi.

“Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi”, đúng vậy “chúng ta” chứ không phải điều gì khác!

4.2 Phương pháp thủ công

Đây là phương pháp quản lý tài chính cá nhân thủ công, không liên kết với tài khoản ngân hàng, hay tính toán sẵn mọi thứ cho bạn. Sổ chi tiêu Kakeibo sẽ không thể ứng dụng những công nghệ hiện đại, giúp bạn theo dõi tự động, tính toán tự động. Tuy nhiên điểm lợi là không tự động, thì bạn bắt buộc sẽ tự mình theo dõi và tính toán, mọi thứ sẽ trở nên thực tế và rõ ràng hơn, in sâu vào tiềm thức của bạn hơn.

Phương pháp quản lý tài chính cá nhân – sổ chi tiêu Kakeibo khuyến khích bạn phải suy nghĩ, đánh giá về ngân sách của bạn, hạng mục bạn chi tiêu và cách bạn cải thiện để đạt được mục đích tài chính của mình. Phương pháp sổ chi tiêu Kakeibo trông đơn giản, nhưng đơn giản làm nên sự khác biệt. Nó có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho việc quản lý tài chính cá nhân của bạn.

Nếu trước đây bạn thấy lập kế hoạch ngân sách, quản lý tài chính cá nhân, hay việc tiết kiệm tiền là khó khăn, thì sổ chi tiêu Kakeibo có thể là một lựa chọn rất tuyệt dành cho bạn.

Bạn hãy dành thời gian, viết ra mọi thứ vào cuốn sổ chi tiêu Kakeibo từ việc lên ngân sách, theo dõi chi tiêu cá nhân, chi tiêu gia đình. Điều này sẽ giúp bạn hình dung rõ ràng hơn các mục tiêu tương lai của mình, và từng bước đạt được nó.

Bạn đọc thêm “Lập kế hoạch tài chính cá nhân hiệu quả bằng cách áp dụng quy trình tại doanh nghiệp”.

Related Posts