REVIEW SÁCH CHA GIÀU CHA NGHÈO – THAY ĐỔI TƯ DUY VỀ TIỀN BẠC

by Ha Phuong

Cha giàu cha nghèo là cuốn sách đã thay đổi tư duy, lối sống của hàng triệu người trên thế giới. Cuốn sách này sẽ khai mở giúp bạn có được cái nhìn thú vị về tài chính, ứng dụng vào cuộc sống, thay đổi thói quen và lối tư duy truyền thống về tài chính.

Rất nhiều người thành công trong công việc, nhưng lại gặp nhiều rắc rối về tài chính. Đó là bởi khi ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta chỉ được dạy để có kỹ năng, kiến thức nghề nghiệp mà không được dạy về kỹ năng tài chính. Học hỏi qua sách là giải pháp rất tốt để chúng ra có thêm hiểu biết. Cuốn Cha giàu cha nghèo là một trong số cuốn sách mình nghĩ rất đáng đọc, nên đọc càng sớm càng tốt.

Trước đây mình là người không thích bàn luận đến tiền bạc và có những cái nhìn thiên lệch, cho rằng nói đến tiền bạc là thực dụng. Tuy nhiên khi học về tài chính, nghiên cứu chuyên sâu và tiếp cận với các cuốn sách, kiến thức tài chính, khiến mình thay đổi suy nghĩ.

Hãy đừng nhìn tiền bạc như một điều xấu, hãy để tiền bạc trở thành nhân công của bạn, phục vụ bạn, giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn. Hãy mở rộng tư duy để đọc cuốn sách này, mình hy vọng cuốn sách sẽ giúp ích cho bạn.

Các bạn có thể đọc bài review dưới đây của mình về cuốn sách “Cha giàu cha nghèo” để nắm nội dung chính. Để đọc chi tiết hơn, bạn có thể mua sách ở link bên dưới cùng của bài nhé.

1. TÁC GIẢ – TÁC PHẨM

Robert Toru Kiyosaki (sn 1947) là một nhà đầu tư, doanh nhân đồng thời là một tác giả. Kiyosaki nổi tiếng bởi cuốn sách Rich Dad, Poor Dad (Cha giàu cha nghèo). Ông đã viết 18 cuốn sách, bán tổng cộng 26 triệu bản. Ba trong số các cuốn sách của ông là Rich Dad Poor Dad, Rich Dad’s CASHFLOW Quadrant và Rich Dad’s Guide to Investing đã từng được xếp vào số 10 cuốn sách bán chạy nhất một lúc trên The Wall Street Journal, USA Today và New York Times.

(trích nguồn Wikipedia)

2. NỘI DUNG CHÍNH – SÁCH CHA GIÀU CHA NGHÈO

Cuốn sách Cha giàu Cha nghèo xoay quanh tư duy và thói quen và hành động của hai người cha – người cha ruột cha nghèo và người cha nuôi cha giàu của tác giả. So sánh sự khác nhau giữa hai người cha – cha giàu cha nghèo – tác giả làm nổi bật lên những tư duy khác biệt của người giàu, và lối tư duy truyền thống của tầng lớp trung lưu và người nghèo.

Tác giả phân tích qua 10 chương với rất nhiều bài học giá trị:

Chương 1, 2

So sánh 2 người cha (cha giàu cha nghèo), một người vật lộn vì tiền, người kia làm một việc đơn giản là đầu tư. Xoáy sâu vào tư tưởng của người làm công ăn lương: đi làm vì tiền, dùng những năm tháng tốt nhất trong đời để làm việc vì cơm áo gạo tiền. Câu chuyện người cha giàu dạy tác giả, và màn đối đáp rất đáng suy ngẫm giữa 2 người.

Chương 3,4,5

Tác giả đưa ra các mô hình vòng quay tài sản, tiêu sản, mô hình vòng quay tiền mặt của người nghèo, của người trung lưu, và người giàu. Kết luận một số lý do khiến người giàu càng giàu hơn, và lý do khiến người trung lưu luôn gặp khó khăn về tài chính: Người giàu mua tài sản, người trung lưu mua tiêu sản mà họ nghĩ là tài sản, và người nghèo chỉ có toàn chi phí. Tác giả đưa ra các ví dụ về tài sản, mang lại nguồn thu nhập, những liên đoàn mà người giàu giúp ích cho mình.

Chương 6

Tác giả nói về trí thông minh tài chính mà bất cứ ai cũng có thể đạt được, đưa ra 2 dạng đầu tư, và 3 kỹ năng chính để đạt được thông minh tài chính.

Chương 7

Cuộc nói chuyện giữa tác giả và cô nhà báo tài năng, và bài học về tư duy khác biệt “Sự đảm bảo công việc là mọi thứ đối với người cha học thức cao. Còn học tập là tất cả với người cha giàu”.

Chương 8

Tác giả phân tích 5 lý do chủ yếu khiến nhiều người hiểu biết về tài chính nhưng vẫn không thể phát triển được phần tài sản, để tạo ra vòng quay tiền mặt lớn. Điều mà sẽ giúp họ có được cuộc sống an nhàn thay vì làm việc toàn thời gian để trả hóa đơn.

Chương 9,10

Trả lời cho câu hỏi “Tôi có thể bắt đầu như thế nào?” Tác giả đưa ra 10 bước để phát triển khả năng tài chính. Nhấn mạnh việc quan trọng là bắt tay ngay vào hành động. Bên cạnh đó tác giả đưa ra các lời khuyên để củng cố thêm 10 bước ở trên.

Phần kết, tác giả nhấn mạnh: Mỗi ngày, với mỗi đồng tiền, bạn quyết định xem mình sẽ trở nên giàu, nghèo hay trung bình. Và hãy dạy con cái của bạn về quản lý tài chính. Tương lai của bạn và con bạn sẽ được quyết định bởi hành động ngày hôm nay chứ không phải ngày mai.

3. 10 BÀI HỌC Ý NGHĨA TỪ CUỐN SÁCH CHA GIÀU CHA NGHÈO

  1. Không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ được bao nhiêu tiền và làm cho nó sinh sôi nảy nở như thế nào mới là quan trọng.
  2. Khác biệt giữa tài sản, tiêu sản: Tài sản tiếp tục bỏ tiền và túi chúng ta, còn tiêu sản thì lấy tiền ra khỏi túi chúng ta. Người giàu mua tài sản, và nó lại sinh sôi mang lại thu nhập cho họ, người nghèo mua tiêu sản, tức là khi có thu nhập, chúng lại trở thành chi phí ngay lập tức. “Mua nhà”, nếu nhà mang lại thu nhập thì nó là tài sản, nếu không, lại thêm vay nợ thì nó là tiêu sản. Hãy mua nhà một cách thông minh “mua một số tài sản để có thể phát sinh vòng quay tiền mặt đủ trả cho ngôi nhà” trước.
  3. Chúng ta thường kiếm tiền bằng kỹ năng nghề nghiệp, mà lại không được dạy về kỹ năng tài chính, nên dù rất nhiều người thành công trong công việc, nhưng lại trong vòng luẩn quẩn về tài chính: Đi làm, kiếm tiền, tiêu tiền, làm vất vả hơn nữa, lương cao hơn, nhưng lại tiêu nhiều hơn. Chúng ta thường phải làm việc nhiều hơn cần thiết vì học được cách làm việc chăm chỉ, nhưng lại không học được cách buộc tiền bạc làm việc cho mình.
  4. Cha nghèo trong vòng Rat Race: Chi phí dường như đuổi kịp thu nhập. Tiêu sản còn lớn hơn tài sản. Cha giàu: Tài sản làm phát sinh nhiều thu nhập hơn số cần thiết cho các chi phí, và chúng lại được đầu tư lại vào tài sản.
  5. Người giàu có xu hướng mua đồ xa xỉ sau cùng – trong khi người nghèo và trung lưu có khuynh hướng mua chúng trước tiên.
  6. Kỷ luật bản thân – luôn trả cho mình trước: Tức là hãy dành ngay một khoản tiết kiệm khi vừa có lương, để đồng tiền đó làm việc cho mình, trở thành “nhân công” của mình, làm giàu cho mình. Và chỉ chi tiêu ở phần còn lại (hay còn gọi là trả và chính là làm giàu cho những người khác – làm giàu cho công ty điện, nước, của hàng tạp hóa, ngân hàng…)
  7. 5 lý do giải thích vì sao nhiều người hiểu biết về tài chính nhưng vẫn không phát triển được phần tài sản. Phần có thể tạo ra vòng quay tiền mặt lớn, giúp họ có cuộc sống an nhàn, thay vì làm việc toàn thời gian để trả hóa đơn: Lo sợ, hoài nghi, lười biếng, những thói quen xấu, tính kiêu ngạo.
  8. Hãy đầu tư trước hết vào bộ óc – tài sản lớn nhất của mình. Hãy tìm một chuyên gia, hay đọc sách ví dụ sách về tài chính cá nhân, sách về đầu tư, để hiểu biết hơn. Hiểu được thời gian là tài sản đáng quý nhất: Hãy bắt đầu hành động càng sớm càng tốt, kỷ luật từng bước một, không nên có tinh thần làm giàu nhanh.
  9. Hãy dạy mọi người, và bạn sẽ được học. Đó là sức mạnh của việc cho đi. Hãy dạy lại cho con trẻ, hãy bắt đầu thật sớm, hãy mua các cuốn sách, hãy luyện tập, hãy bắt đầu nhỏ thôi.
  10. Với mỗi đồng tiền trong tay, bạn sẽ quyết định số phận của mình, nếu sử dụng vô ích bạn sẽ nghèo, nếu dùng vào tiêu sản, bạn chọn trở thành trung lưu, hãy đầu tư vào trí óc và học cách kiếm tài sản bạn sẽ trở thành giàu có, cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng, hạnh phúc hơn.

4. 5 HÀNH ĐỘNG SAU ĐỌC SÁCH CHA GIÀU CHA NGHÈO

  1. Kỷ luật trả cho mình trước, luôn tiết kiệm trước khi chi tiêu
  2. Dùng tiết kiệm mua các tài sản tạo ra thu nhập, càng sớm càng tốt.
  3. Kiểm soát chi tiêu: Luôn đánh giá tiêu sản hay tài sản trước khi mua.
  4. Đầu tư vào bản thân: Đọc sách, tìm hiểu
  5. Chia sẻ với mọi người, dạy lại cho con trẻ. Hiểu được sức mạnh của việc cho đi.

Để đọc chi tiết bạn có thể mua sách cha giàu cha nghèo tại đây nhé.

Hy vọng với bài review sách “Cha giàu cha nghèo” các bạn sẽ tiếp cận được thêm về luồng tư duy mới về công việc và tài chính. Các kiến thức từ cuốn sách thực sự rất đáng suy ngẫm. Hãy rút ra các bài học cho mình và ứng dụng vào cuộc sống bạn nhé.

Bạn đọc thêm review sách “9 quy tắc đầu tư tiền bạc để trở thành triệu phú”.

Related Posts