TRÀO LƯU FIRE – 7 BƯỚC ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC ĐỘC LẬP TÀI CHÍNH, NGHỈ HƯU SỚM

by Ha Phuong

Ở bài viết trước, mình đã chia sẻ về trào lưu FIRE – Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm – trào lưu rầm rộ trên khắp các diễn đàn trên thế giới vài năm gần đây. Trong bài viết này, mình tổng hợp 7 bước để đạt được FIRE.

Để đạt được FIRE là một chặng đường rất dài, cần sức bền và sự kiên định của người thực hiện. Do đó trước hết cần phải hiểu được con đường cần đi, vị trí hiện tại, vạch đích đến, khi đó bạn sẽ tiếp cận dễ dàng hơn và sớm đạt được mục tiêu của mình.

1. ĐỊNH NGHĨA FIRE CỦA BẠN

Bạn cần định nghĩa cụ thể FIRE – độc lập tài chính – nghỉ hưu sớm đối với bạn là như thế nào. Tức là định nghĩa rõ đích đến.

Tưởng tượng một ngày lý tưởng của bạn như thế nào sẽ giúp bạn dễ dàng lập kế hoạch hơn. Khi đó bạn sẽ hình dung được bạn muốn đặt việc nghỉ hưu sớm lên hàng đầu, hay chỉ ở khía cạnh muốn độc lập tài chính.

Bạn muốn nghỉ ngơi hoàn toàn, dành thời gian cho gia đình. Hay bạn muốn nghỉ công việc làm cho doanh nghiệp, để theo đuổi đam mê, các dự án của riêng mình. Hay vẫn làm công việc hiện tại, đơn giản là bạn muốn vững vàng về tài chính.

Với mỗi đích đến cụ thể, bạn sẽ có con đường đi khác nhau.

2. KIỂM KÊ TÀI SẢN

Tiếp theo bạn cần biết mình đang ở đâu trên con đường tiến tới FIRE. Tức là xem xét kỹ vị trí hiện tại của bạn, “tài sản” mà bạn đang có. “Tài sản” ở đây bao gồm các khía cạnh: tài chính, công việc, kỹ năng.

Khía cạnh tài chính

  • Tính toán tài sản ròng:

Bạn liệt kê cụ thể 2 cột: Tài sản có và tài sản nợ. Hiệu số chính là tài sản ròng của bạn.

  • Chi tiêu hàng năm:

Hàng ngày ghi chép lại số tiền chi tiêu của bạn. Sau khoảng 3 tháng bạn sẽ lên được mức chi tiêu trung bình hàng tháng. Bạn có thể ghi chép lại thành 3 cột: Chi tiêu bắt buộc, chi tiêu hạn chế cắt giảm, chi tiêu có thể cắt giảm.

Liệt kê thêm tất cả các khoản mà hàng năm sẽ đều đặn phát sinh, nhưng không chi hàng tháng: Như tiền đóng bảo hiểm, tiền học phí cho con…

Sau cùng bạn lên được mức chi tiêu hàng năm trung bình của gia đình bạn.

Khía cạnh công việc, kỹ năng

Sau khi đạt được FIRE bạn sẽ tiếp tục công việc hiện tại? Nếu không, bạn sẽ làm công việc gì? Bạn sẽ cần chuẩn bị những gì cho công việc ấy? Kỹ năng bạn cần trau dồi thêm là gì? Tìm hiểu những điều này, sau đó xây dựng từng bước để chuẩn bị cho các kỹ năng, công việc của bạn.

Ở các bước tiếp theo sẽ tập trung đi vào khía cạnh tài chính.

3. THIẾT LẬP CON SỐ FIRE MỤC TIÊU

Con số trước FIRE

Trước khi nghĩ xa hơn đến FIRE, bạn cần nên xem xét con số trước FIRE, bao gồm:

Trả hết các khoản nợ

Hãy trả hết các khoản nợ, như vậy bạn có sự tự do nhất định, mà không cần phải suy nghĩ đến các khoản nợ nữa.

Ở bước thứ 2 nhìn vào cột tài sản nợ, bạn liệt kê theo thứ tự giá trị các khoản nợ và mức lãi suất của từng món.

Luôn trả trước các món nhỏ mà có lãi suất cao. Phần còn lại bạn có thể lựa chọn trả trước những khoản nợ nhỏ, lặt vặt, thay vì trả những khoản nợ lớn trước.

Theo tâm lý học, con người ta sẽ cảm thấy có động lực hơn khi đạt được từng bước nhỏ, điều này có lợi cho sự kiên định theo đuổi mục đích của bạn.

Hãy luốn nhớ – cần phải trả hết các khoản nợ trước khi bạn muốn thực sự nghỉ hưu sớm, hay muốn độc lập về tài chính.

Quỹ dự phòng khẩn cấp

Trước khi nghĩ xa hơn về mục tiêu độc lập tài chính, hãy luôn chuẩn bị quỹ dự phòng – ít nhất từ 3 đến 6 tháng, cao hơn nữa là 12 tháng chi phí hàng tháng cho gia đình bạn. Quỹ này chuẩn bị cho những trường hợp không may xảy ra khi bạn không kịp rút tiền từ quỹ đầu tư để trang trải cuộc sống.

Con số FIRE

FIRE truyền thống

Theo các nghiên cứu từ những năm 1990, con số FIRE của bạn có thể bằng 25-30 lần mức chi tiêu hàng năm bạn xác định ở bước 2.

Bổ sung bảo hiểm

Bổ sung thêm các khoản bảo hiểm còn thiếu ở bước 2. Không làm việc trong các doanh nghiệp nữa, như vậy là bạn sẽ phải tự chi trả cho các khoản bảo hiểm y tế, bảo hiểm sức khỏe. Hãy luôn có bảo hiểm, bởi nếu không khi có rủi ro xảy ra, bạn có thể mất hết tất cả tài sản của bạn.

Ngay cả khi còn đang làm việc cho doanh nghiệp, bạn cũng nên chuẩn bị các khoản bảo hiểm cho gia đình mình, bao gồm bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe. Đây là bước nền tảng trước khi nghĩ đến những mục tiêu tài chính xa hơn.

Xác định con số FIRE của bạn

Tiếp theo dựa vào lựa chọn loại hình FIRE mà bạn theo đuổi, bạn có thể điều chỉnh con số ở trên. Ví dụ nếu bạn lựa chọn Barista FIRE, tức là bạn có thể lựa chọn con số thấp hơn để nghỉ hưu sớm, nhưng vẫn tiếp tục làm một công việc gì đó với ít thời gian hơn.

Bạn hãy để lại email theo form bên dưới để nhận được file excel tính toán con số FIRE của bạn và số năm sẽ đạt được độc lập tài chính với tỷ lệ tiết kiệm như hiện tại nhé.

4. CẮT GIẢM CHI TIÊU

Tại bước 2 khi bạn thống kê chi tiêu hàng tháng, bạn có thể thấy mục chi tiêu có thể cắt giảm. Như vậy bạn có thể cắt giảm hạng mục chi tiêu này. Mỗi khi cần mua sắm hay tiêu dùng khoản gì, bạn có thể đặt cho mình quy tắc 72. Tức là sau 72h nếu vẫn muốn tiêu dùng thì mới xuống tiền mua.

Hãy ghi nhớ lời của Warren Buffet: “Nếu bạn mua những thứ mình không cần, bạn sẽ sớm phải bán những thứ mình cần”.

Ngoài ra, bạn có thể xem xét có thể giảm mức chi tiêu đối với hạng mục chi tiêu bắt buộc hay không. Ví dụ thuê 1 căn nhà rẻ hơn, sử dụng phương tiện đi lại ít tiền hơn.

5. GIA TĂNG THU NHẬP

Bạn chỉ có thể cắt giảm chi tiêu ở một mức độ nhất định, và cần phải nỗ lực liên tục. Điều này rất dễ khiến bạn mệt mỏi. Tới 1 lúc nào đó sẽ không thể cắt giảm thêm được nữa, như vậy cắt giảm chi tiêu chỉ là trong ngắn hạn.

Để chạy đường dài, gia tăng thu nhập sẽ là cần thiết. Nó sẽ giúp bạn kiên định với con đường đạt được FIRE, mà không bị nản chí.

Đối với công việc hiện tại, bạn cần trau dồi thêm kỹ năng, kiến thức, làm hơn 100% sức lực để có được sự thăng tiến và thu nhập tốt hơn.

Bên cạnh đó, bạn có thể xem xét kiếm thêm 1 nguồn thu nhập khác, đặc biệt là thu nhập thụ động.

6. HÃY ĐẦU TƯ

Khi có thêm 1 khoản thu nhập, việc đầu tiên hãy trả cho mình trước. Việc trả cho mình giúp bạn luôn có 1 khoản tiết kiệm. Từ đây mỗi đồng tiền nếu bạn đem đi đầu tư sẽ gia tăng thêm tài sản cho bạn.

Nếu bạn có kiến thức về tài chính, điều đó thật tuyệt vời, hãy bắt tay vào đầu tư.

Nếu bạn là người thông thường, khó tiếp cận với kiến thức tài chính, bạn có thể nghĩ đến đầu tư vào quỹ chỉ số chi phí thấp. Theo rất nhiều nghiên cứu, quỹ chỉ số (ETF) có thể đánh bại hầu hết các quỹ chủ động chi phí cao khác.

Mình sẽ có giới thiệu chi tiết về quỹ ETF tại Việt Nam trong loạt bài viết sau.

Bên cạnh đó luôn luôn có phương án phòng ngừa rủi ro. Luôn nhớ nguyên tắc của Warren buffett trong đầu tư: “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền; Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1”

7. LẬP KẾ HOẠCH DỰ PHÒNG

Hãy dự tính tất cả các kịch bản có thể xảy ra, và dự phòng cho những điều ấy:

  • Khía cạnh tài chính: Kinh tế đi xuống làm ảnh hưởng đến tài sản ròng của bạn? Như vậy phải luôn có dự phòng rủi ro trong trường hợp thị trường đi xuống. Ví dụ phân bổ tài sản hợp lý giữa các lớp tài sản. Cân đối giữa cổ phiếu, trái phiếu, tiền gửi ngân hàng…
  • Khía cạnh cuộc sống nếu chọn về hưu sớm: Liệu bạn có cảm thấy trống vắng khi không làm công việc hiện tại, có cảm thấy buồn khi không gặp gỡ nhiều bạn bè, đồng nghiệp. Hay khi thay đổi môi trường sống không được như ý – môi trường học tập cho con bạn ở nơi mới không được tốt…

Xem thêm “5 bước chinh phục ngày hạnh phúc” để biết thêm những cản trở, và giải pháp dự phòng.

Related Posts