KIM TỨ ĐỒ – BẢN ĐỒ TỰ DO TÀI CHÍNH

by Ha Phuong

Để hiểu về tài chính cá nhân, có một số khái niệm mà bạn nhất định phải biết, khi ấy bạn sẽ có cái nhìn tổng quan, hiểu rõ sự vận hành của cuộc sống tài chính. Từ đó thay đổi lối quen, bắt tay vào thiết kế một cuộc sống tài chính lành mạnh, nâng cao sức khỏe tài chính, dần tiếp cận tự do tài chính.

Hôm nay mình giới thiệu tới các bạn một khái niệm rất thú vị “Kim Tứ đồ”, hy vọng với những ai chưa biết, sau khi hiểu rõ khái niệm này sẽ có thể ứng dụng từng bước, những ai đã biết, như một lời gợi nhớ để bắt tay vào hành động.

1. KIM TỨ ĐỒ LÀ GÌ

Kim tứ đồ được nhắc đến trong cuốn “cha giàu, cha nghèo” của tác giả Robert Kiyosaki. Kim tứ đồ bao gồm 4 góc phần tư, đại diện cho 4 nhóm công việc:

Phía bên trái: Là 2 nhóm công việc tạo ra thu nhập một cách chủ động, cần dùng thời gian, công sức của bản thân. Nếu ta dừng làm việc sẽ không còn tạo ra thu nhập. Hầu hết chúng ta nằm trong nhóm này, bao gồm:

E (Employee ): Người làm công ăn lương,

S (Self-Employed): Tự làm chủ hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ.

Phía bên phải: Là 2 nhóm công việc sử dụng thời gian, công sức của người khác, hoặc dùng tài sản để tự tạo ra thu nhập. Nhóm này thu nhập không bị giới hạn bởi thời gian và công sức của chính mình, bao gồm:

B (Business Owner): Chủ doanh nghiệp (Doanh nghiệp >500 nhân viên),

I (Investor): Nhà đầu tư.

2. Ý NGHĨA CỦA KIM TỨ ĐỒ

Vậy ỹ nghĩa cụ thể từng góc phần tư trong Kim tứ đồ là gì?

E (Employee) – Người đi  làm thuê

Đây là góc phần tư phổ biến nhất. Nhóm này đi làm thuê cho người khác, dù là nhân viên hay quản lý, họ làm việc cho một tổ chức, một công ty, một công việc nào đó, dùng thời gian, trí tuệ, công sức của mình, và nhận được thu nhập từ công việc này.

Như vậy muốn kiếm nhiều tiền hơn thì họ phải bỏ nhiều thời gian hơn, nhiều công sức hơn, hoặc đầu tư trí tuệ nhiều hơn. Nếu dừng làm việc, nhóm này sẽ không tiếp tục nhân được thu nhập. Đây là nhóm thường thích sự an toàn, nhận lương định kỳ.

S (Self-Employed): Tự làm chủ hoặc doanh nghiệp nhỏ

Nhóm này sở hữu công ty nhỏ, hoặc 1 công việc làm ăn của riêng mình, để tạo ra thu nhập họ vẫn phải dùng thời gian và trí tuệ của mình. Đây là nhóm mạo hiểm hơn, rủi ro hơn, và công sức cũng phải bỏ ra nhiều hơn nhóm trên.

B (Business Owner): Chủ doanh nghiệp

Nhóm này tự xây dựng lên một hệ thống và thuê người khác để làm việc cho mình. Nhóm này cần nhiều yếu tố hơn các nhóm còn lại như vốn lớn, có ý tưởng kinh doanh, hiểu về vận hành doanh nghiệp. Nguồn thu nhập không phụ thuộc vào sự có mặt của họ trong công việc hàng ngày.

I (Investor) – Nhà đầu tư

Nhóm này dùng tài sản của mình để tạo ra thu nhập. Thu nhập của họ cũng không phụ thuộc vào thời gian và công việc họ trực tiếp làm hàng ngày.

Họ có thể đầu tư vào bất động sản, trái phiếu, cổ phiếu để nhận được những khoản thu nhập đều đăn, hay những khoản thu nhập do bán được với giá cao hơn. Nhóm này đối diện với những rủi ro nhất định, ví dụ như tài sản giảm giá.

3. VÍ DỤ

Ví dụ về mảng giáo dục:

  • Nếu bạn là giáo viên: Bạn thuộc góc phần tư bên trái E (Employee) – Người đi làm thuê
  • Nếu bạn mở lớp và tự dạy: S (Self-Employed) – Tự làm chủ
  • Nếu bạn mở công ty giáo dục, quy mô lớn >500 nhân viên: bạn thuộc góc phần tư bên phải: B (Business Owner) – Chủ doanh nghiệp
  • Nếu bạn mua cổ phiếu vào công ty giáo dục: Bạn thuộc góc phần tư I (Investor) – Nhà đầu tư

4. ỨNG DỤNG KIM TỨ ĐỒ VÀO CUỘC SỐNG

Từ ý nghĩa của kim tứ đồ như trên, chúng ta nên ứng dụng vào cuộc sống tài chính như thế nào?

Vị trí trong Kim tứ đồ

Hầu hết chúng ta đều thuộc góc phần tư đầu tiên: E – Người đi làm thuê. Không tính tới những người có thu nhập rất cao, thường thì mức lương ở góc phần tư này chỉ vừa đủ trang trải cuộc sống.

Có nhiều người ở nhóm này trong một vòng luẩn quẩn: Đi làm vất vả kiếm tiền để mong cuộc sống gia đình tốt hơn, phần đấu cho công việc nhiều hơn, thu nhập cao hơn, khoản phát sinh chi phí lại nhiều hơn nữa, lại phấn đấu cho công việc.

Đến một lúc nào đó công việc dành mất phần lớn thời gian, họ bị mất cân bằng trong cuộc sống, không có đủ thời gian cho gia đình. Mệt mỏi, mong tìm ra lối thoát nhưng lại chỉ có thể tiếp tục bán thời gian và sức khỏe để tiếp tục tạo ra được thu nhập nuôi sống gia đình, mà không biết thoát ra như thế nào?

Chuyển dịch góc phần tư

Có thể thấy phía bên phải kim tứ đồ là cuộc sống mong ước của nhiều người chúng ta: đạt được thu nhập mà không bị chi phối về thời gian, sức khỏe. Vậy nếu bạn đang ở phía bên trái như vừa nhắc đến ở trên thì sao?

Bạn đừng buồn vì hầu hết người bình thường như chúng ta đều thuộc nửa bên trái này. Cuộc sống mà, góc phần tư nào cũng tốt, cũng cần cho nền kinh tế vận hành. Vậy chúng ta có thể thay đổi như thế nào? Sẽ chuyển dịch sang phía bên phải, hay kết hợp giữa các góc phần tư?

Việc chuyển dịch sang hẳn phía bên phải là khá khó khăn. Không phải ai cũng có thể trở thành Chủ doanh nghiệp bởi nhóm này cần những yếu tố đặc thù. Vậy chúng ta có thể trở thành nhà đầu tư không? Câu trả lời là, rất khó để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp (vận hành với vốn lớn). Nhưng chúng ta có thể trở thành nhà đầu tư nhỏ với nền tảng tài chính của chính mình.

Bài học từ Kim tứ đồ

Các bạn có thể kết hợp công việc hiện tại của mình và bước những bước nhỏ đầu tiên để trở thành nhà đầu tư nhỏ. Đầu tư sẽ chịu rủi ro nhất định, bạn sẽ cần phải trau dồi kiến thức. Nhưng chắc chắn ai cũng có thể làm được, từ những nhân viên văn phòng, giáo viên, công nhân, bác sỹ… chỉ cần nắm được phương pháp, bắt tay vào sớm, và có kỷ luật.

Mong là qua chuyên mục “Tài chính cá nhân”FIRE – Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm trên trang blog của mình, dần dần bạn sẽ tìm ra cho mình một con đường, để thiết kế lại cuộc sống tài chính của mình, sớm đạt được tự do tài chính.

Bạn đọc thêm Review sách “Cha giàu cha nghèo”.

Related Posts