CHỨNG CHỈ QUỸ LÀ GÌ? NÊN MUA LOẠI CHỨNG CHỈ QUỸ NÀO? QUA FMARKET, TIKOP, INFINA, FINHAY?

CHỨNG CHỈ QUỸ LÀ GÌ?

by Ha Phuong

1. CHỨNG CHỈ QUỸ LÀ GÌ?

Theo Khoản 4 Điều 4 Luật chứng khoán số 54/2019/QH14 ngày 26 tháng 11 năm 2019 quy định: Chứng chỉ quỹ (CCQ) là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.

Quỹ đầu tư chứng khoán là quỹ hình thành với vốn góp của nhà đầu tư, với mục đích thu lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các tài sản khác, kể cả bất động sản, trong đó nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ.

Như vậy khi bạn góp tiền vào các quỹ đầu tư chứng khoán, bạn nhận lại phần vốn góp này thể hiện qua các chứng chỉ quỹ. Các quỹ đầu tư vào các loại tài sản, lãi lỗ từ hoạt động này sẽ được chia về bạn theo phần vốn góp.

Quỹ đầu tư chứng khoán bao gồm: Quỹ đại chúng, quỹ thành viên. Trong quỹ đại chúng bao gồm quỹ mở, quỹ đóng.

Quỹ mở bao gồm các loại quỹ: quỹ cổ phiếu, quỹ trái phiếu, quỹ cân bằng. Quỹ hoán đổi danh mục ETF cũng là một loại quỹ mở. Dưới đây chúng ta cùng đi tìm hiểu về các loại chứng chỉ quỹ này nhé.

2. PHÂN LOẠI CÁC CHỨNG CHỈ QUỸ ĐẦU TƯ

Dưới đây chúng ta cùng tìm hiểu về các loại chứng chỉ quỹ:

2.1 CHỨNG CHỈ QUỸ ĐÓNG

Chứng chỉ quỹ đóng là gì?

Trước hết, quỹ đóng là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng không được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư – theo Khoản 40 – Điều 4 – Luật chứng khoán.

Như vậy nhà đầu tư sẽ không thể bán lại cho công ty quản lý quỹ. Việc giao dịch có thể thực hiện trên thị trường thứ cấp – giữa các nhà đầu tư với nhau. Chứng chỉ quỹ đóng được niêm yết và giao dịch như cổ phiếu thông thường.

Bạn có thể tham khảo quỹ BĐS Techcom Việt Nam – mã chứng chỉ quỹ FUCVREIT – đây là chứng chỉ quỹ có thể giao dịch trên sàn giao dịch.

2.2 CHỨNG CHỈ QUỸ MỞ

Quỹ mở là quỹ đại chúng mà chứng chỉ quỹ đã chào bán ra công chúng phải được mua lại theo yêu cầu của nhà đầu tư.

2.2.1 CHỨNG CHỈ QUỸ MỞ

Chứng chỉ quỹ mở là gì? Chứng chỉ quỹ mở là chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ mở, bao gồm các loại: CCQ quỹ cổ phiếu, trái phiếu, quỹ cân bằng.

Chứng chỉ quỹ là gì

Các loại chứng chỉ quỹ – Quỹ mở

2.2.2 CHỨNG CHỈ QUỸ ETF

Chứng chỉ quỹ ETF là gì?

Đây là các chứng chỉ quỹ phát hành bởi các quỹ đầu tư hoán đổi danh mục. Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là quỹ mở hình thành từ việc tiếp nhận, hoán đổi danh mục chứng khoán cơ cấu lấy chứng chỉ quỹ.

Chứng chỉ quỹ hoán đổi danh mục được niêm yết và giao dịch trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán niêm yết. So với các quỹ mở khác quỹ ETF hay được các chuyên gia kỳ cựu khuyên nên đầu tư, do hiệu quả về dài hạn thường tốt hơn các quỹ mở khác.

  Quỹ ETF Quỹ mở khác
Mục tiêu Mô phỏng gần sát nhất với thị trường Nhằm chiến thắng chị trường
Chiến lược Đầu tư bị động. Ít mua đi bán lại, quỹ chỉ giao dịch khi chỉ số mô phỏng thay đổi Đầu tư chủ động. Liên tục mua đi bán lại nhằm có được mức lợi nhuận cao
Đầu tư tối thiểu khi đầu tư trực tiếp Lô 100 chứng chỉ quỹ (thời gian tới, có thể về lại 10 CCQ) Yêu cầu vốn tối thiểu từ 1-2 triệu 1 lần đầu tư
Cách thức đầu tư trực tiếp Mua bán trực tiếp trên sàn giao dịch Mua trực tiếp tại các công ty quản lý quỹ
Cách đầu tư qua các app Tikop Tikop, Finhay, Infina, Fmarket
Phí quản lý Thấp Cao
Đội ngũ quản lý Đôi khi chỉ cần máy tính tự thiết lập. Mức độ đầu tư vào đội ngũ chuyên gia không cần quá nhiều chi phí như các quỹ mở khác. Công ty quản lý thuê các chuyên gia cao cấp nghiên cứu và đầu tư, giao dịch mua đi bán lại tài sản, do đó chi phí cao
Hiệu quả hoạt động thường thấy Thường hiệu quả hơn các quỹ mở khác Mặc dù hoạt động nhằm chiến thắng thị trường, nhưng rất hiếm có quỹ mở nào dài hạn vượt qua được lợi nhuận của các quỹ ETF. Đặc biệt với phí quản lý cao.

3. ĐẦU TƯ CHỨNG CHỈ QUỸ KHÁC GÌ VỚI CỔ PHIẾU

Khi đầu tư vào các CCQ, có một số điểm cần lưu ý khác biệt so với cổ phiếu như sau:

  Chứng chỉ quỹ Cổ phiếu
Định nghĩa Là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán Là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành
Quyền ra quyết định Nhà đầu tư không có quyền kiểm soát hàng ngày đối với việc ra quyết định đầu tư của quỹ. Do đó không được quyết định mua bán cổ phiếu, trái phiếu…Việc ra quyết định đầu tư là do các chuyên gia của công ty quản lý quỹ Nhà đầu tư có thể tự nghiên cứu, quyết định mua bán giao dịch
Quyền biểu quyết với công ty Không có quyền biểu quyết đối với các công ty đầu tư vào, mà đều thông qua công ty quản lý quỹ Có quyền biểu quyết đối với hoạt động của công ty

4. AI NÊN ĐẦU TƯ CHỨNG CHỈ QUỸ?

CCQ rất phù hợp với các đối tượng:

  • Nhà đầu tư mới, chưa có nhiều kinh nghiệm đầu tư,
  • Nhà đầu tư có vốn nhỏ,
  • Nhà đầu tư muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư,
  • Nhà đầu tư bận rộn, không có nhiều thời gian nghiên cứu đầu tư

5. CHỨNG CHỈ QUỸ MỞ PHÙ HỢP VỚI NHÀ ĐẦU TƯ MỚI

  • Nhà đầu tư mới, chưa có kinh nghiệm đầu tư. Khi đầu tư vào các quỹ mở, nhà đầu tư không cần phải trực tiếp ra quyết định đầu tư. Việc ra quyết định đầu tư do các chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư đảm nhiệm. Điều này hạn chế rủi ro, ra quyết định sai của nhà đầu tư mới.
  • Tiết kiệm thời gian, công sức cho nhà đầu tư: Nhà đầu tư bận rộn, không có nhiều thời gian nghiên cứu đầu tư thì hình thức này rất phù hợp.
  • Khi đầu tư vào chứng chỉ quỹ, bạn không cần phải có vốn lớn. Ví dụ để mua được 1 số cổ phiếu có giá trị lớn, nhà đầu tư cần phải có đủ tiền để mua đủ 100 cổ phiếu (ví dụ ~9, 10 triệu đối với FTP. Nhưng bạn chỉ cần có số vốn từ 1 đến 2, 3 tr để có thể mua được các loại CCQ có chứa cổ phiếu FTP.)
  • Danh mục đa dạng: Khi đầu tư vào CCQ, chỉ với số vốn nhỏ, bạn có thể đa dạng hóa được danh mục, do sở hữu nhiều loại tài sản.
  • Thanh khoản cao, minh bạch: Bạn có thể dễ dàng mua bán các quỹ ETF trên sàn giao dịch, bán các quỹ mở khác cho đơn vị phát hành.

6. MUA CHỨNG CHỈ QUỸ MỞ QUA FINHAY, TIKOP, INFINA, FMARKET

Hiện nay, ngoài hình thức mua chứng chỉ quỹ mở trực tiếp trên sàn (ETF), trực tiếp qua các quỹ đầu tư, hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ qua các công cụ Fintech đang bắt đầu phát triển.

Bảng dưới đây liệt kê các chứng chỉ quỹ hiện tại có mặt trên các app Fmarket, Tikop, Infina, Finhay, và giá chứng chỉ quỹ tại ngày gần nhất (03/12/2021)

Chứng chỉ quỹ là gì

Danh sách các loại chứng chỉ quỹ trên các app

Theo bảng bên trên, mới chỉ có Tikop và Finhay là có loại chứng chỉ quỹ ETF

Tuy nhiên,với Tikop bạn có thể tùy ý lựa chọn các loại chứng chỉ quỹ. Còn Finhay bạn chỉ có thể đầu tư theo các gói có sẵn. Để được tự chọn các loại chứng chỉ quỹ mở, tài khoản của bạn cần phải có trên 50 triệu đồng.

Cả 4 app đều có các chứng chỉ quỹ mở sau:

Tên CCQ Tổ chức phát hành Loại quỹ Giá gần nhất (VND) Lợi nhuận trong thời gian
gần nhất
6 tháng 1 năm 3 năm 
DCDS DCVFM Quỹ cân bằng 78,542 15.85% 66.83% 112.02%
VNDAF IPAAM Quỹ cổ phiếu 16,122 13.18% 53.16% 63.51%
DCBC DCVFM Quỹ cổ phiếu 30,231 7.30% 57.84% 84.53%
VNDBF IPAAM Quỹ trái phiếu 11,610 4.22% 7.03%  
DCBF DCVFM Quỹ trái phiếu 22,103 3.34% 7.37% 34.91%

7. NÊN ĐẦU TƯ CHỨNG CHỈ QUỸ QUA ĐÂU?

  • Đối với ETF bạn có thể tham khảo việc mua trực tiếp trên sàn giao dịch hoặc qua Tikop. Bạn đọc thêm sự khác biệt qua 2 hình thức này qua bài review chi tiết tại đây.
  • Đối với các quỹ mở khác, mua qua app có rất nhiều tiện lợi so với cách mua truyền thống như sau:
Qua app Theo cách truyền thống
Giao dịch dễ dàng, mua được nhiều loại quỹ trên cùng 1 app Mua chứng chỉ quỹ nào thì phải đến từng nơi, ký hợp đồng với từng quỹ đó
Nhanh, tiện. Xác thực 1 lần để có thể mua nhiều CCQ Nhiều thủ tục, đặc biệt khi muốn mua nhiều quỹ
Quản lý tập trung: Theo dõi các CCQ trên cùng 1 app Không tập trung: Mỗi CCQ sẽ theo dõi tại app của nơi bạn mua

Đối với mua qua app, bạn nên ưu tiên qua Fmarket, Tikop, Infina do được miễn phí giao dịch. Finhay thu phí bảo trì (quản lý) và thu phí rút khoản đầu tư. Bạn có thể đọc chi tiết giữa Fmarket và 3 hình thức còn lại tại đây.

Mình tóm gọn so sánh đầu tư chứng chỉ quỹ qua các app Fmarket, Tikop, Infina, Finhay như sau:

Chứng chỉ quỹ là gì? Đầu tư qua Fmarket Tikop Infina Finhay

So sánh đầu tư chứng chỉ quỹ qua Fmarket, Tikop, Infina, Finhay

Như vậy nếu bạn muốn sự an toàn, ký hợp đồng trực tiếp với các công ty quản lý quỹ, bạn nên chọn Fmarket. Fmarket lại có hình thức đầu tư định kỳ (SIP) rất ưu việt, miễn giảm phí mua một số loại CCQ.

Đặc biệt, Fmarket mới ra mắt chú kiến RoboF – giúp đưa ra danh mục đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư, đồng thời thiết kế lộ trình đầu tư an toàn linh hoạt theo từng thời điểm thị trường, bạn tìm hiểu tại đây.

Trong 3 app còn lại, theo mình thấy đầu tư chứng chỉ quỹ qua Tikop là có nhiều ưu điểm hơn cả, do vừa miễn phí, vừa có nhiều chứng chỉ quỹ để lựa chọn, đặc biệt có thể chọn cả ETF.

Bạn có thể thử sức đầu tư Tikop tại đây Chứng chỉ quỹ là gì - tikop 

Đầu tư qua Infina tại đây.

Đây đều là các hình thức mà bạn được miễn phí giao dịch, miễn phí quản lý, bạn chỉ phải chịu các chi phí trực tiếp từ công ty quản lý quỹ – là những chi phí mà dù bằng hình thức trực tiếp bạn cũng phải chịu các chi phí này.

8. NÊN MUA CHỨNG CHỈ QUỸ LOẠI NÀO?

Có rất nhiều chứng chỉ quỹ như trên, vậy chứng chỉ quỹ nào tốt?

Như nói ở trên quỹ ETF là loại quỹ được các chuyên  gia khuyên nên đầu tư đối với người mới. Vậy ưu tiên số 1 nên là ETF.

Nếu bạn muốn bổ sung thêm các loại chứng chỉ quỹ mở khác, bạn có thể tham khảo bảng bên trên và lựa chọn đầu tư.

Bạn có thể vào các app trên click vào tên từng loại chứng chỉ quỹ để tìm hiểu thông tin sơ bộ. 

Bạn nên xem trên Fmarket hoặc Tikop có nhiều loại quỹ và giao diện thân thiện, dễ xem. Infina thì với mỗi CCQ thông tin khá cụ thể và giàu thông tin. Riêng với Finhay thì chưa có thông tin chi tiết về các chứng chỉ quỹ.

Sau khi lựa chọn được vài chứng chỉ quỹ rồi, bạn có thể vào các trang web của công ty quản lý quỹ để đọc bản cáo bạch và các tài liệu liên quan của các quỹ.

Về các tiêu chí để lựa chọn ra chứng chỉ quỹ ưu việt, mình sẽ có bài viết cụ thể hơn, bạn cũng có thể tham khảo sách viết rất kỹ về cách lựa chọn các chứng chỉ quỹ mở: Sách Đầu tư hiệu quả – Mark Dampier. Bạn có thể tham khảo tại đây.

Hy vọng qua bài trên đây, các bạn đã nắm được chứng chỉ quỹ là gì, các loại chứng chỉ quỹ và các hình thức đầu tư chứng chỉ quỹ. Hãy bắt đầu nghiên cứu và đầu tư nha!

Để có chiến lược đầu tư tốt, bạn đọc thêm bài viết 4 BƯỚC ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN CHO NGƯỜI MỚI BẮT ĐẦU.

Lưu ý: Các bài viết mang ý kiến cá nhân, có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng góp cho bạn 1 góc nhìn. Hãy tìm hiểu thật kỹ, tự mình ra quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định đó, nhất là vấn đề đầu tư nhé!

Bài viết là những chia sẻ cảm nhận thực tế của mình, không bị ảnh hưởng bởi yếu tố khác. Khi bạn tải app qua link mình gửi, mình sẽ nhận được 1 khoản nho nhỏ, và bạn cũng vậy.

Related Posts