Bài hôm nay mình chia sẻ với các bạn một số cách tiết kiệm tiền để cuối tháng bạn không rơi vào tình trạng viêm màng túi.
Trước đây mình thường thỏa sức chi tiêu, và thường đến cuối tháng thì tiền lương hết veo, có những giai đoạn còn phải dùng đến thấu chi. Cho đến một ngày mình nhận ra không chỉ mình, mà rất nhiều người xung quanh mình cũng chi tiêu mất kiểm soát như vậy.
Đặc biệt là dân “công nhân ngân hàng”, bởi đặc thù thu nhập cao, hay có những khoản thưởng bất ngờ, và quan trọng nhất là có một tài khoản thấu chi gấp nhiều lần lương, vô hình chung làm cho chúng mình dễ chi tiêu mất kiểm soát. Bởi dễ dàng chạm đến thấu chi – tức là dễ dàng có thể chi tiêu từ tiền không phải của mình trước, và chi trả sau.
Thường sẽ khó để bị gặp vấn đề về tài chính, bởi ngay sau đó họ có thể nhận được những khoản thu nhập bù vào. Hơn thế nữa, môi trường công sở, xung quanh đều có thu nhập tốt vì vậy mức chi tiêu đều cùng thoải mái như nhau. Bạn sẽ dễ dàng cùng nhau gọi ly trà sữa mỗi ngày, mua sắm shoppe chỉ với 1 vài bước click đơn giản. Chỉ cần vài khoản như vậy là có khi tiền mua sắm đã có thể lên tới tiền triệu mỗi tháng.
Sau một thời gian chi tiêu mất kiểm soát, thu nhập không thấp nhưng tiết kiệm không được bao nhiêu, mình nhận ra mình cần điều chỉnh. Mình bắt đầu tay vào hành động:
Mục lục
1. BẮT ĐẦU TỪ VIỆC TÌM RA ĐỘNG LỰC TIẾT KIỆM TIỀN
Mình bắt đầu từ việc thay đổi suy nghĩ. Lúc đó mình chưa tiếp cận với “FIRE” , sau này khi tiếp cận với quan điểm này, mình lại càng kiên định theo thói quen này.
Mình bắt đầu ngồi nghĩ vì sao mình cần tiết kiệm.
Đầu tiên, mình nghĩ đến những điều xảy ra xung quanh, những gì đang phụ thuộc vào nguồn thu nhập hiện tại của mình. Mình nghĩ đến việc một ngày nào đó mình không còn có được nguồn thu nhập như thế này nữa. Như vậy cuộc sống của mình sẽ thế nào:
- Khoản bảo hiểm mình đang mua sẽ bị đứt quãng.
- Mình không thể tiếp tục trang trải học phí đắt đỏ cho chương trình mình theo học.
- Khi có con, con mình sẽ không thể học một số trường tốt. (Quan điểm của mình là khi mẫu giáo cho con học trường tư có phương pháp chăm sóc và học tập tốt. Khi vào học tiểu học sẽ gửi con học ở trường công. Quan điểm này mình sẽ chia sẻ ở một bài viết khác liên quan đến tài chính cho việc đi học của con).
- Mình sẽ không thể trang trải được hết mọi thứ theo mức sống hiện tại.
Khi trải qua dịch Covid mình nghĩ ai cũng có lúc nghĩ đến tình huống này. Thật may mắn là mình đã nghĩ đến những điều này từ trước đó và chuẩn bị các phương án cho mình.
Sau đó mình nghĩ đến việc mình cần có một nguồn thu nhập thứ 2, để một lúc nào đó nguồn thu nhập chính bị ảnh hưởng, mình vẫn có nguồn tiền đảm bảo cuộc sống. Và mình nghĩ đến việc đầu tư đã bỏ dở từ khi mới ra trường, vậy cần khởi động lại nó. Để có tiền đầu tư mình nghĩ đến việc cần phải tiết kiệm tiền ngay lập tức.
Thời điểm ấy mình nghĩ ra 2 lý do chính ở trên. Sau này khi tiếp cận nhiều hơn về tài chính cá nhân, mình đúc rút các lý do chính như sau:
- Để chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp, mình cần có quỹ dư phòng tài chính,
- Để có một gói báo hiểm cho mình và người thân: bao gồm cả bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe,
- Để nhanh chóng trả nợ, thoát khỏi nợ nần,
- Để chuẩn bị cho những mục đích lớn hơn: mua nhà, cho con học,
- Để đầu tư, chuẩn bị cho hưu trí, và hướng tới tự do tài chính.
Mình nghĩ đến những điều này mỗi ngày, đặc biệt là tự do tài chính, điều này làm mình có thêm động lực để tiết kiệm.
Người ta thường nói: “Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”. Để thay đổi số phận, hãy bắt đầu từ thay đổi suy nghĩ!
2. TÌM VÀ GIẢI QUYẾT NGUYÊN NHÂN CỦA VIỆC CHI TIÊU KHÔNG KIỂM SOÁT
Sau khi chắc chắn về việc mình cần phải tiết kiệm, mình ngồi viết ra những lý do cho việc chi tiêu mất kiểm soát của mình.
Mua đồ vì thích cảm giác vui vì được sở hữu, hay thấy có ý nghĩa với mình
Ngay khi nhìn thấy một cuốn sách nghe hay hay, mình lập tức mua, trong khi cuốn sách ở nhà mình còn đang đọc dở, và số sách chờ đọc vẫn còn vài cuốn. Nhà mình đến bây giờ vẫn giống như là 1 thư viện thu gọn vậy.
Ngay khi mình thấy một khóa học, sau khi tìm hiểu thấy phù hợp mình lập tức mua, mặc dù mình vẫn còn đang học dở 1 khóa, vì thời gian rảnh không nhiều nên tốc độ học của mình khá chậm.
Hay nhiều lúc là vài cái áo, vài bộ đồ xinh xinh cho mình, cho người thân. Đôi khi là những thiết bị máy móc, nhà bếp mà lúc nào các trang thương mại điện tử cũng kêu gọi sắm sửa vì sale sập sàn.
Lúc mình chuẩn bị mua mình đều thấy nó rất đáng để mình xuống tiền, vì đều là hoặc những khoản đầu tư cho bản thân, gia đình, những món quà cho những người mình yêu thương. Nhưng vấn đề ở đây là nó gộp trở thành một món chi tiêu lớn.
Vậy mình giải quyết vấn đề này thế nào?
Trước hết thay đổi cảm xúc khi mua sắm. Khi mình chi tiêu cảm xúc khi ấy sẽ là vui vì được sở hữu những cuốn sách, những khóa học, những bộ váy áo, đồ dùng mà mình thích.
Mình thay đổi cảm xúc khi hành động thành: Mình đang chi tiêu vào tiêu sản, những thứ không tạo ra tài sản. Như thế mình thấy hơi buồn một chút. Nếu mình để dành tiền và biến nó thành 1 dạng tài sản, nó sẽ làm việc cho mình, và tạo ra tiền. Khi đó mình sẽ dành tiền ấy mua những tiêu sản này, như vậy nghe có vẻ tốt hơn.
Tiếp theo mình gắn thêm với kết quả của hành động: mua sắm thoải mái dẫn đến cuối tháng hết veo tiền, mình sẽ rơi vào tình trạng lo lắng. Hơn nữa cột tài sản của mình không được gia tăng, mấy năm sẽ vẫn dậm chân tại chỗ, đấy là không kể tụt xuống vì thấu chi. Mục tiêu hướng đến Tự do tài chính của mình lại xa hơn.
Sau khi thay đổi quan điểm và gắn với kết quả như trên, nếu mình vẫn muốn mua, mình sẽ thực hiện chờ 3 ngày tới. Nếu đến tối ngày thứ 3 mình vẫn rất mong muốn mua, hoặc ngay lúc đó không mua thì sẽ không có cơ hội, thì mình sẽ xem xem mình còn ngân sách cho hạng mục dự phòng để dùng không? Mình sẽ dành một số tiền nhất định cho hạng mục này mỗi tháng. Mình sẽ lấy ngân sách hạng mục này nếu còn, hoặc tạm thời lấy ngân sách dự phòng của tháng sau.
Mua đồ vì có sẵn tiền nhàn rỗi
Thường thì trong túi hoặc tài khoản có nhiều tiền, bạn sẽ dễ dàng chi tiêu hơn. Bạn sẽ thấy mình vẫn đang rủng rỉnh, đặc biệt là giai đoạn đầu tháng, dẫn đến việc cuối tháng dù còn các khoản chi tiêu cấp thiết nhưng bạn lại hết veo tiền rồi, nên đành phải thấu chi.
Để giải quyết vấn đề này, bạn hãy trả cho mình trước, trước khi làm giàu cho shopee hay là shop thời trang…Bạn có thể mở riêng 1 tài khoản ngân hàng cho việc để dành tiết kiệm, hàng tháng khi có lương hãy chuyển ngay vào tài khoản này. Từ tài khoản này sẽ tính tới chuyện đầu tư như thế nào sau. Nhưng trước hết phải bảo toàn được số này thay vì chi tiêu nó trước đã. Lưu ý là nên chọn ngân hàng nào mà không mất phí chuyển khoản và các loại phí liên quan.
Có sẵn các công cụ thanh toán
Thường thì khi có thẻ tín dụng, bạn sẽ dễ dàng chi tiêu hơn. Tiêu dùng thẻ tín dụng giống như là bạn tiêu tiền của người khác mà không phải của mình vậy. Bạn sẽ tha hồ chi tiêu và quẹt thẻ. Có ai mà không thích chi tiêu mà không lấy từ túi mình?
Thẻ tín dụng giống như là hộp đen, đôi khi bạn không biết mình đã tiêu bao nhiêu, so với số tiền thực có của mình thì đã thâm hụt hay chưa? Nhất là khi bạn có 2,3 thẻ thì lại càng rắc rối, bạn có thể mỗi tháng sẽ chi ở mỗi thẻ vài triệu, tổng cộng sẽ phải trả số tiền kha khá.
Vậy hãy hủy hết thẻ tín dụng của bạn đi, hoặc chỉ để lại 1 cái phòng những trường hợp cần gấp, và hãy giấu nó thật kỹ nhé, để không tiện tay dùng nó.
Mua đồ vì việc mua sắm quá dễ dàng
Việc mua sắm hiện nay quá dễ dàng, chỉ cần 1 cái click, không cần đến tận nơi bạn đã có thể mua được cả một siêu thị. Chính vì việc thương mại điện tử phát triển, họ rất giỏi trong việc mời chào người khác mua hàng bằng những chương trình khuyến mại. Bạn có thể thấy các sàn thương mai điện tử này khuyến mại cả năm. Tháng nào cũng có ngày đẹp 6/6, 7/7 hay 11/11, 12/12… đấy là không kể các ngày lễ, ngày 08/03, 20/11…Có những tháng dường như tuần nào cũng là tuần lễ, tuần giảm giá.
Hãy đừng để những app mua sắm này kiểm soát bạn. Hãy xóa app, đóng app, hoặc ngừng vào app mua sắm mỗi ngày. Đừng làm giàu cho các công ty và người bán hàng đều đặn mỗi ngày như thế. Hãy nghĩ đến cột tài sản của bạn và ngừng tích tiêu sản.
3. ĐỂ TIẾT KIỆM TIỀN HÃY THEO DÕI THU CHI, LẬP VÀ BÁM SÁT KẾ HOẠCH NGÂN SÁCH
Khi theo dõi thu chi bạn sẽ phát hiện ra mình đã chi tiêu thỏa sức như thế nào. Điều này sẽ giúp bạn cắt giảm được những chi phí không cần thiết, và cân nhắc trước khi chi tiêu.
Việc lập và bám sát kế hoạch ngân sách giúp bạn không bị chi tiêu hoang phí, vượt ngoài khả năng của bản thân.
Là dân tài chính, và có nhiều năm làm về kế hoạch ngân sách nên mình hiểu rất rõ về tầm quan trọng của việc này ở các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lớn, có nhiều hạng mục chi phí phức tạp mà vẫn kiểm soát được thì mình nghĩ áp dụng cho cá nhân cũng sẽ hiệu quả và rất dễ đạt được.
Đọc thêm bài viết về Lập kế hoạch tài chính cá nhân.