Khi nói chuyện với một vài bạn trẻ, mình kể những câu chuyện của mình, những điều lẽ ra nếu biết sớm hơn thì tốt. Các bạn ấy nói rằng, luồng tư tưởng đó thật khác với thế giới hiện tại của các bạn ấy, nhưng cảm thấy may mắn vì đã được biết đến. Bài viết hôm nay, mình viết về 8 bài học về quản lý tài chính cá nhân mình ước được biết khi 20, để các bạn đọc và cùng suy ngẫm, nếu thấy phù hợp thì bắt tay vào hành động nhé!
Mục lục
1. TRẢ CHO MÌNH TRƯỚC TIÊN
Nếu mình luôn để 1 khoản 10% thu nhập để trả cho mình trước tiên, mình sẽ cân nhắc khi chi tiêu những thứ khác một cách hợp lý hơn.
Khi mới đi làm, mình thuê 1 căn chung cư mini, ở 1 mình, và chi phí chiếm mất 1/3 thu nhập. 1/3 tiếp theo là để dành dụm cho việc học và thi CFA, phần còn lại là vừa đủ chi tiêu.
Nếu mình thực hành quản lý tài chính cá nhân sớm hơn, luôn dành tiền trả cho mình trước, để thành 1 khoản tiết kiệm, chắc chắn mình sẽ không đủ chi phí để thuê 1 căn như thế. Khi đó mình sẽ tìm một phương án khác hợp lý hơn.
Đây là bài học về cách quản lý tài chính cá nhân đầu tiên, và cũng là ý nghĩa nhất mà mình muốn nhắc tới cho các bạn trẻ. Hãy luôn trả cho tương lai của bạn – trả cho bạn trước tiên.
2. TĂNG LƯƠNG KHÔNG ĐI KÈM TĂNG CHI TIÊU
Rất nhiều người trẻ, khi bắt đầu có việc làm, là bắt đầu cuộc hành trình tiêu xài hoang phí. Khi tăng lương, lại tăng thêm chi tiêu. Sau rồi mới thốt lên: “Ôi mức thu nhập nào cũng chỉ sống vừa đủ!”
Mặc dù mình cũng không phải tuýp người tiêu xài hoang, nhưng đúng là mỗi lần tăng lương, mình lại tự cho phép mình tăng các khoản chi. Điều này không tốt chút nào.
Hãy làm cách nào đó để phần tăng lương kia sinh sôi, nảy nở, và bạn có thể trích một phần từ phần sinh sôi ấy cho nhu cầu tiêu xài tăng thêm của mình.
Ý mình ở đây là, khi có tăng thu nhập, hãy năng đưa thêm vào phần tích lũy, đầu tư, để tiền của bạn lại sinh sôi thêm, trước khi nghĩ đến tăng chi.
Ở đây, cũng không có ý bạn phải tiêu xài bủn xỉn, mà hãy cân đối và đừng phung phí!
3. LUÔN THEO DÕI THU CHI
Bài học về cách quản lý tài chính cá nhân tiếp theo mà mĩnh nghĩ nếu có thói quen từ khi còn trẻ thì rất tốt: Luôn theo dõi thu chi!
Mình làm về quản lý ngân sách, lên kế hoạch kinh doanh, phân tích tình hình thực hiện kế hoạch của các đơn vị kinh doanh ngay từ khi mới đi làm. Thế nhưng đối với bản thân mình trước đây lại khá tự do, cũng không có khái niệm theo dõi tình hình tài chính của bản thân.
Hàng tháng luôn phải lên báo cáo và đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch của đơn vị, nhưng lúc trước mình chưa từng nghĩ tới việc đánh giá tình hình tài chính của mình.
Sau này, khi bắt đầu quan tâm hơn tới quản lý tài chính cá nhân, mình hiểu rằng, cũng giống như doanh nghiệp, “theo dõi chi phí” luôn luôn là bước căn bản nhất để thực hiện tiếp những điều lớn lao hơn.
Nếu không theo dõi, bạn không thể có bức tranh tổng thể, và không thể biết được vấn đề của bạn đang ở đâu. Không biết bệnh, thì làm sao để chữa đây?
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết về cách quản lý tài chính cá nhân bằng sổ chi tiêu Kakeibo – một phương pháp quản lý tài chính của người Nhật .
Nếu công việc tiện dùng Excel, bạn có thể tham khảo video về cách quản lý tài chính cá nhân bằng excel như hướng dẫn dưới đây:
4. LẬP KẾ HOẠCH TÀI CHÍNH CÁ NHÂN
Tất cả những công việc để đạt được thành công, đều bắt đầu từ việc lên kế hoạch. Dù là các doanh nghiệp, hay cá nhân bạn cũng vậy.
Chẳng phải trước mỗi chuyến đi xa, bạn đều lên kế hoạch chi tiết cho mình đấy ư? Vậy mà hành trình cuộc đời lại chẳng lấy 1 kế hoạch cơ bản sao? Tuổi 20 của mình cũng đã từng chẳng có lấy 1 kế hoạch gì, kế hoạch về quản lý tài chính cá nhân lại càng không. Sau này khi bắt đầu lập kế hoạch quản lý tài chính cá nhân cho bản thân, mình thấy mọi thứ rõ ràng hơn.
Nều không thể có 1 kế hoạch dài hạn, thì ít nhất bạn cũng nên chuẩn bị 1 kế hoạch tài chính cá nhân cho 3 năm, 1 năm, hay 3 tháng, 1 tháng tới. Định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách, luôn dóng theo kế hoạch để điều chỉnh kịp thời.
Bạn đọc thêm về “Lập kế hoạch tài chính cá nhân bằng cách áp dụng quy trình tại doanh nghiệp”.
5. ĐẦU TƯ SỚM – TẬN DỤNG SỨC MẠNH CỦA LÃI KÉP
20 tuổi, bạn chọn tích góp đều đặn hàng tháng và bắt đầu đầu tư.
Hay bạn chọn 20 tuổi – đi làm kiếm tiền, “hưởng thụ cuộc sống” đã, vài năm rồi tính sau?
Để mình kể bạn nghe câu chuyện về con tàu của Noah trong Kinh Thánh được biến tấu lại trong 1 cuốn sách mà mình rất tâm đắc. Mình có bài review sách tại đây.
Truyện kể biến tấu rằng, khi được Chúa phán truyền về việc Noah nên xây một con thuyền lớn để tránh cơn đại hồng thủy sắp tới, ông đã bắt tay vào làm, mà không trì hoãn.
Ông – khi được căn dặn giữ bí mật – như một con người bình thường – ông sẽ bắt đầu đi thầm thì với một vài người trong quán bar. Một vài người cho rằng câu chuyện của ông thật điên rồ. Một vài người nửa tin, nửa ngờ, suy nghĩ và chưa hành động ngay. Họ còn phải tính toán xem cần có bao nhiêu tiền để đóng con tàu cỡ lớn, hay phải đi mua dụng cụ ở đâu, hoặc còn phải dò chừng trời bắt đầu mưa chưa…Đến khi mưa bắt đầu nặng hạt, có lẽ đã chẳng thể kịp đóng được 1 con thuyền như ý muốn.
Việc trì hoãn mà không bắt tay vào chuẩn bị, sẽ giống như việc một ngày nọ, gió nổi lên, con tàu Noah bắt đầu tiến về phía trước, còn những người còn lại phải đuổi theo sau bằng hẳn những chiếc thuyền đua. Nhưng bằng 1 sự kỳ diệu, họ sẽ chẳng bao giờ đuổi kịp được Noah. Sự kỳ diệu này tác giả ví với một kỳ quan mà Einstein đã mô tả – sự kỳ diệu của lãi kép.
Bạn sẽ muốn hàng tháng trích ra 500K và cuối cùng có được hơn 5 tỷ, hay mỗi tháng bỏ ra 2 triệu, và cuối cùng chỉ được ~2.5 tỷ?
Tất nhiên là bạn sẽ chọn phương án 1, nhưng mình cá là hành động của bạn thì sẽ thường rơi vào phương án 2. Hãy bắt đầu hành động từ những năm 20, thay vì đến 40 tuổi, để đến năm 65 tuổi bạn sẽ có được số tiền trên nếu đạt được mức lãi suất kép 10%/năm.
Bạn có thể mua chứng chỉ quỹ ETF hàng tháng và…quên nó đi. (Đúng vậy, quên nó đi, đừng mất thời gian hàng ngày vào nhìn đồ thị, bởi có nhìn thêm bạn cũng chẳng thể kiểm thêm được đồng nào). Thời gian, và sự gia tăng về dài hạn của thị trường chứng khoán sẽ giúp bạn tận dụng được kỳ quan thứ 8 này hiệu quả, 10%/năm không phải là không khả thi. Vì sao mình nhắc tới chứng chỉ quỹ với các bạn trẻ, bạn đọc thêm tại đây.
Bài học về cách quản lý tài chính cá nhân – đầu tư sớm này thực sự rất quan trọng đối với các bạn trẻ. Khi còn trẻ, là bạn đã may mắn có được sức mạnh về “thời gian” – một đòn bẩy rất quan trọng của kỳ quan “lãi kép”.
6. CHUẨN BỊ CHO VIỆC NGHỈ HƯU NGAY TỪ KHI 20
Có thể bạn cho rằng điều này thật nực cười. Tuổi 20 còn lo kiếm việc, lo chi việc nghỉ hưu.
Câu chuyện con tàu Noah bên trên vẫn chưa đủ thuyết phục bạn? Vậy hãy cứ thử 1 tháng sau trở lại, tham khảo về câu chuyện nghỉ hưu. Thi thoảng lại đọc và nghe về nó. Đảm bảo sau 1 thời gian, bạn sẽ không còn cảm thầy điều này điên rồ nữa, và sẽ bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu nó.
Mình từ chỗ biết đến, nghe rồi để đấy, đọc rồi nhận ra, và cuối cùng là bắt tay vào hành động, mất khoảng 2 năm. Mình vẫn thấy thật may mắn vì đến bây giờ không còn cảm thấy điều này điên rồ nữa.
Bạn có thể tham khảo các bài viết của mình về Độc lập tài chính, nghỉ hưu sớm – FIRE tại đây.
7. ĐẦU TƯ VÀO BẢN THÂN – TÀI SẢN GIÁ TRỊ NHẤT CỦA BẠN
Đầu tư vào bản thân là 1 thương vụ rất hời, mình đã từng nghe ai đó “ví von” rằng “khoản đầu tư này sẽ chẳng bao giờ bị tính thuế và cho dù có lạm phát xảy ra thì nó cũng không bị giảm giá trị”!
Warren Buffett, đã từng nói rằng “Đầu tư vào bản thân càng nhiều càng tốt, vì bạn là tài sản lớn nhất của chính mình!”. Hãy làm cho “Vốn chủ sở hữu” này càng lớn mạnh càng tốt, để dù cho một ngày nào đó nhẵn túi, thì bạn vẫn còn “vốn” to đùng để bắt đầu gây dựng lại.
Hãy trau dồi kiến thức, kỹ năng, không chỉ khi còn trẻ, mà ngay cả khi đã đi làm nhiều năm. Thời gian buổi tối, là thời gian bạn “làm bài tập về nhà”. Thường thì người ta giàu có và thành công ít nằm ở khung giờ hành chính, mà chính là thời gian bạn tận dụng nghiên cứu, học tập ngoài giờ.
Đây là bài học về cách quản lý tài chính cá nhân – hơi phi tài chính một chút, nhưng cũng là cốt lõi của mọi vấn đề. Chỉ khi đầu tư vào bản thân, bạn mới tiếp cận và thực hành được những kiến thức, những bài học như nói ở trên.
8. CHUẨN BỊ NGUỒN THU NHẬP CHÍNH THỨ 2
Trong thời đại hiện nay, phụ thuộc vào việc trả lương của chỉ 1 ông chủ là hết sức rủi ro. Bạn rất nên có thêm 1 nguồn thu nhập nữa, nguồn thu ấy càng ít phụ thuộc vào sự có mặt của bạn thì càng tốt.
Khi đầu tư vào bản thân, bạn sẽ dần dần hình thành nên giá trị của bản thân mình. Từ đó xây dựng được thế mạnh của mình, từ chính những thế mạnh này có thể giúp bạn có thêm được nguồn thu nhập thứ 2. Bằng cách này, rất có thể bạn sẽ tìm được IKIGAI của bản thân. Điều này rất quan trọng, nó sẽ giúp cuộc sống của bạn hạnh phúc, tươi đẹp hơn.
Để tạo ra nguồn thu nhập ít phụ thuộc vào sự có mặt của bạn, bạn có thể thao khảo các hình thức kinh doanh online, trong bài viết của mình: Gen Z – Công việc và thu nhập.
Đây là 8 bài học về cách quản lý tài chính cá nhân mình ước là mình đã biết từ khi tuổi 20. Mong là sẽ hữu ích với bạn. Nếu bạn thấy hợp lý, thì bắt tay ngay vào thực hiện nhé, hãy nhớ đến câu chuyện “Con tàu của Noah” để không trì hoãn.